Xã hội

Quan tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Gia Lai-cho biết: Mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 song các ngành, địa phương vẫn tổ chức một số hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11-7) với chủ đề “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, những năm gần đây, số cặp vợ chồng vùng dân tộc thiểu số thực hiện KHHGĐ ngày càng tăng, quy mô gia đình chỉ sinh 2 con đang dần phổ biến. Đến nay, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 73%; tỷ lệ hộ sinh con thứ 3 giảm còn 20%; mức giảm tỷ lệ sinh 0,6‰; tỷ lệ tăng tự nhiên 13,6‰ và tỷ số giới tính khi sinh 106 trẻ trai/100 trẻ gái (mức chênh lệch trong tỷ lệ cho phép). Đây là tín hiệu cho thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai chính sách dân số. 
Chia sẻ về một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng dân số, bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã A Dơk (huyện Đak Đoa) cho hay: Là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm 92% nên việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Một số gia đình vẫn còn vi phạm chính sách DS-KHHGĐ như: sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Trước thực trạng ấy, xã đưa chính sách dân số vào nội dung, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; các thôn, làng thì đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước gắn với tiêu chí xây dựng, bình xét danh hiệu văn hóa. “Nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trước đây chiếm 25% thì nay giảm còn 23%. Ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của bà mẹ mang thai và trẻ em gái cũng có những thay đổi rõ rệt”-bà Thu thông tin.
Cán bộ DS-KHHGĐ xã A Dơk (huyện Đak Đoa) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ làng A Dơk Kông. Ảnh: Đinh Yến
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, huyện Chư Prông tập trung triển khai các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh… Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) chia sẻ: Một số địa phương trong huyện đã thành lập mô hình, câu lạc bộ như: “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”; “Gia đình 2 con”… Trung tâm phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tuyên truyền, giáo dục về quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, chất lượng dân số nói chung và chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. “Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Y tế huyện được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh ký hợp đồng thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh”-bà Nhàn cho biết thêm.
Theo ông Vương Nhật, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em gái phù hợp với tình hình dịch bệnh; tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi cũng như thực hiện một số hoạt động khác.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm