Ngày 17/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thông tin, sau khi được cấp cứu, hiện tình hình sức khỏe của 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá nóc hiện đã tạm thời ổn định.
Trước đó, chiều ngày 16/9, khoảng 1 giờ sau khi ăn cá nóc, vợ chồng ông N.H. và bà L.T.K.H. (trú phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, như choáng, tê đầu lưỡi và sau đó là tê toàn thân.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, hai vợ chồng được người thân đưa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Người chồng có triệu chứng nặng hơn, nhập viện trong tình trạng ngừng tim, hôn mê sâu, ngừng thở. Người vợ triệu chứng nhẹ hơn và được chỉ định điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm.
Hai nạn nhân bị ngộ độc cá nóc đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. |
Đến sáng nay (17/9), tình trạng người chồng có cải thiện hơn. Bệnh nhân đã tỉnh, tự thở, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu, cộng bệnh lý nền về phổi nên bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực. Người vợ sức khỏe đã ổn định.
Được biết thời gian qua, tình trạng người dân vùng ven biển ở Quảng Ngãi bị ngộ độc do ăn cá nóc xảy ra rất thường xuyên. Mới đây nhất vào đầu tháng 5/2024, cả gia đình 5 người ở huyện đảo Lý Sơn đã bị ngộ độc do ăn cá nóc, nhờ được cấp cứu kịp thời nên cả gia đình đã may mắn thoát chết.
Theo các tài liệu nghiên cứu, vùng biển Việt Nam hiện có 66/400 loại cá nóc khác nhau và hầu hết là cá nóc độc. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, nằm chủ yếu ở các cơ quan nội tạng như: mật, gan, ruột, các cơ quan sinh sản và da. Vào mùa sinh sản, lượng độc tố trong cơ quan sinh sản tập trung rất cao.
Đây là loại độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Lượng độc tố này trong cá nóc có thể cao gấp 275 lần chất xyanua và gấp 50 lần so với hạt mã tiền. Chỉ từ 1 - 2 miligam độc tố tetrodotoxin trong cá có thể gây chết người. Thậm chí, khi nấu chín, phơi khô, kể cả chế biến thành nước mắm, chất độc trong cá nóc vẫn không hề giảm.
Theo Nguyễn Ngọc (TPO)