Chính trị

Nhân sự

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước trong ngày họp đầu tiên Kỳ họp thứ 8

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo chương trình dự kiến, tại ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự Chủ tịch nước theo quy định Hiến pháp, pháp luật.

Chiều 20/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về công tác nhân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị vào sáng mai (21/10), Quốc hội sẽ xem xét và thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội, trong đó có công tác nhân sự.

quoc-hoi-se-bau-chu-tich-nuoc-trong-ngay-hop-dau-tien-ky-hop-thu-8-dd-9764.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trao đổi tại họp báo. Ảnh: Như Ý

Theo chương trình dự kiến, tại ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bà Hải cũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 10 đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Nội dung nữa, liên quan đến các nhân sự thuộc thẩm quyền cũng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. "Trong chương trình cũng bố trí thời gian để thực hiện nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội", bà Hải nói.

Trước đó, thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH và một số vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, ông Tuấn cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, trong đó có Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam…

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm:

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự;

Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng;

Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, trong đó có Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi)…

Theo Luân Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm