Chính trị

Tin tức

Quốc hội thảo luận Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 14-11, Quốc hội làm việc tại tổ để cho ý kiến lần đầu về hai dự thảo: Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh và Luật Phòng, chống khủng bố.

Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh còn thiếu tính cụ thể

Thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính cụ thể của dự thảo, dễ dẫn đến tình trạng “luật chờ nghị định”.

 

Chiều 14-11, Quốc hội làm việc tại tổ để cho ý kiến lần đầu về hai dự thảo: Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh và Luật Phòng, chống khủng bố.
 

Theo Điều 42 của dự thảo, có tới 23 điều, khoản được giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ hướng dẫn thi hành. Các đại biểu đề nghị, với những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tính khả thi cao thì nên quy định ngay trong Luật để hạn chế đến mức thấp nhất số lượng văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần rà soát, cân nhắc kỹ các nội dung trong dự thảo để tránh sự trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tính cần thiết ban hành Luật này cũng cần được làm rõ, nêu bật hơn.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội cho giáo dục Quốc phòng-An ninh, nhất là giáo dục Quốc phòng-An ninh toàn dân. Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể và chặt chẽ về yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế tổ chức hoạt động xã hội hóa theo hướng thu hút sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức và cá nhân với các hình thức thích hợp, nhằm huy động tổng hợp nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục Quốc phòng-An ninh. Trên cơ sở đó, khơi dậy lòng yêu nước, đề cao trách nhiệm công dân tự giác học tập và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hạn chế những quy định mang tính hành chính bắt buộc.

Các đại biểu đã cho ý kiến những nội dung cụ thể của dự thảo Luật về: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh; bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về giáo dục Quốc phòng-An ninh.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị bổ sung Điều 16 về bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, trưởng bản vì đây là những người có uy tín rất cao, cần tăng cường sự tham gia tích cực của họ trong công tác giáo dục Quốc phòng-An ninh.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị mở rộng đối tượng người dân vùng sâu, vùng xa để nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ Quốc phòng An ninh.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, các chức sắc tôn giáo có vai trò đoàn kết nên cũng cần thiết phải đưa vào Luật nhưng với cách thức phù hợp.

Đại biểu Thích Minh Châu (Hà Nội) cũng cho rằng, tôn giáo là lực lượng mạnh, có vai trò không nhỏ, cần có hình thức phù hợp sao cho lực lượng này tham gia tích cực, phát huy sức mạnh; tránh mệnh lệnh hành chính.

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục Quốc phòng-An ninh cho đối tượng học sinh trung học và tán thành việc lồng ghép nội dung giáo dục Quốc phòng-An ninh cho đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở thông qua các môn học khác.

Theo đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), với đối tượng này, cần chú ý đến hình thức giáo dục, chú trọng phát huy tinh thần, ý thức của các em, ví dụ qua các học kỳ quân đội, hoạt động ngoại khóa.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị cần nghiên cứu về định lượng kiến thức, tránh tình trạng quá tải và xem xét tính khả thi của quy định này.

Quy định rõ hơn các hành vi “khủng bố”

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống khủng bố nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố mà không để phương hại đến lợi ích quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị dự thảo cần đưa ra được khái niệm rõ ràng, riêng biệt về khủng bố, xác định rõ hơn hành vi khủng bố phù hợp với thực tiễn Việt Nam và là cơ sở phân biệt với các hành vi chống phá khác, đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật hình sự. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ chủ thể có thẩm quyền xác định vụ việc khủng bố, chủ thể có thẩm quyền quyết định các biện pháp phòng, chống khủng bố như quyết định điều động quân đội, công an tham gia chống khủng bố, quyết định những nội dung cần hợp tác quốc tế…

Nhiều ý kiến đề nghị không thành lập lực lượng chuyên trách riêng, mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có vì nếu xây dựng lực lượng chuyên trách chỉ thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố sẽ gây lãng phí do đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực.

Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhiều quốc gia thành lập lực lượng chống khủng bố riêng nhưng trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, không nên lập lực lượng chuyên trách riêng vì cần trang bị, đầu tư rất lớn mà nên kiêm nhiệm với lực lượng nòng cốt là Công an, Quân đội. Tuy nhiên, cũng cần xác định vai trò trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong tình huống nhất định bởi trong những vụ có quy mô lớn, lực lượng theo quy định có thể chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cũng đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể về người chỉ huy chống khủng bố theo hướng Thủ tướng Chính phủ là chỉ huy cao nhất, ở cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Mặt khác, cần quy định chi tiết hơn về việc sử dụng, điều động lực lượng Quân đội. Vấn đề hợp tác quốc tế cũng cần được cân nhắc mức độ cho phù hợp.

Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể như về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, khái niệm “khủng bố”; nguyên tắc phòng, chống khủng bố; Ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố; biện pháp phòng ngừa, chống khủng bố...

Theo chương trình, ngày 15-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm