Chính trị

Tin tức

Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 20-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều quy định mới, mức xử lý rất nặng trong xử lý vi phạm hành chính so với Pháp lệnh trước đây.

3 lĩnh vực được phạt cao tối đa gấp 2 lần mức phạt chung

Xung quanh quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương (đoạn 2 khoản 1 Điều 23 và khoản 3 Điều 23), qua các phiên thảo luận tại kỳ họp, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến không nhất trí với quy định này; có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng tại TP Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh; lại có ý kiến lại đề nghị áp dụng cho tất cả các đô thị, kể cả thành phố thuộc tỉnh.

 

 

Giải trình về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xuất phát từ đặc thù của nội đô các thành phố trực thuộc trung ương là mật độ dân số cao, là trung tâm kinh tế - xã hội, chính trị, hành chính của cả nước hoặc khu vực, nếu hành vi vi phạm hành chính xảy ra tại khu vực này thì tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn, hậu quả sẽ lớn hơn. Quy định này không trái với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, bởi vì tại khu vực này bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt như nhau.

Tuy vậy, Luật cũng chỉ cho phép quy định mức phạt tiền cao hơn trong 3 lĩnh vực cụ thể là giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, không phải ở các khu vực này đều áp dụng mức phạt tối đa cao gấp 2 lần so với quy định chung mà tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội đặc thù của từng địa phương.

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Luật quy định rõ mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực là áp dụng đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Đồng thời, quy định rõ “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”. Bên cạnh đó, mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực mới chưa được quy định tại Luật này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chỉ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do lỗi cố ý

Về hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 25). Luật quy định rõ, biện pháp này được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động từ 1 - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Điều 26), Luật quy định, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung và ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (Điều 125), được quy định rõ, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản điều luật này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành. Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần thì sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề nghị Chính phủ về việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bỏ biện pháp này là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý; hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là phù hợp

* Cũng trong chiều 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Công đoàn (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm