Nghị định 49/2017/NĐ-CP đi vào cuộc sống khiến nhiều người băn khoăn về chế tài xử phạt nếu để lộ, lọt, hoặc cố tình trao đổi thông tin khách hàng của nhà mạng.
Khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân để được an toàn trong giao dịch qua điện thoại. Nếu nhà mạng vi phạm về bảo mật thông tin sẽ bị xử phạt. |
Nhiều ý kiến cho rằng Điều 30 (vi phạm các quy định về đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao) không có quy định nào về chế tài xử phạt nhà mạng để lộ, lọt thông tin khách hàng. Ở mức xử phạt 50-70 triệu đồng (Mục 7) cũng không có quy định về chế tài xử phạt về lộ, lọt thông tin.
Lý giải đối với thông tin trên, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) Nguyễn Đức Trung cho biết, đó là sự hiểu lầm về tra cứu thông tin. Thực tế, quy định xử phạt nhà mạng để lộ, lọt thông tin nằm ở Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013.
Trước câu hỏi vậy thì cho tới nay, Bộ TTTT đã phát hiện và xử phạt nhà mạng nào vì hành vi để lộ, lọt thông tin hay chưa, Phó Chánh Thanh tra Bộ TTTT Đỗ Hữu Trí khẳng định: “Hiện tại chưa phát hiện nhà mạng nào để lộ, lọt hoặc cố tình trao đổi thông tin khách hàng với đối tác khác”. Như vậy, có thể nói khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về thông tin cá nhân của mình.
Nghị định 174/2013 quy định về chế tài xử phạt nhà mạng để lộ thông tin khách hàng như sau: Điểm a khoản 4: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Điểm a khoản 5: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. |
Đánh giá về mức xử phạt 50-70 triệu đồng nếu nhà mạng để lột thông tin khách hàng, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Bisaco) nhận định: “Chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin đã được quy định từ lâu. Tuy nhiên mức xử phạt như vậy vẫn là quá nhẹ nhàng, có thể nói là không có ý nghĩa. Mức phạt phải tính đến tỉ lệ hoặc số lượng nào đấy chứ tính chung chung thế là không được”.
Một khi thông tin khách hàng bị lộ, lọt ra ngoài, khó có thể đo đếm được mức độ thiệt hại. Trong khi đó, giả sử nhà mạng cố tình để lộ hoặc trao đổi thông tin khách hàng, mức xử phạt vài chục triệu đồng xem ra chẳng thấm tháp vào đâu. Có lẽ, cơ quan chức năng cũng nên tính đến việc nâng cao chế tài xử lý nhà mạng về quản lý thông tin khách hàng đủ mang tính răn đe.
Theo laodong