Chính trị

Tin tức

Quy định về kỷ luật đảng viên "cụ thể hóa các biểu hiện suy thoái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. P.V có cuộc trao đổi với ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về quy định này.
 

Ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Lần đầu tiên quy định thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng

- Thưa ông, vì sao Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được ban hành vào thời điểm này?

- Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 181 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Sau 4 năm, quy định mới (số 102) ra đời vì quy định 181 bên cạnh những mặt đạt được thì đã bộc lộ bất cập. Cụ thể, quy định 181 chưa bao quát hết phạm vi và các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã sơ kết việc thực hiện quy định 181, qua đó một số địa phương kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới; giải quyết những vướng mắc trong quá trình xử lý kỷ luật đảng viên.

- Những điểm mới của quy định 102 là gì?

- Về mặt bố cục, quy định 102 giữ nguyên 5 chương, nhưng tăng thêm một điều thành 37 điều. Mỗi điều có bổ sung, sửa đổi với trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 xác định.

Quy định mới cũng bổ sung nội dung thời hiệu xử lý kỷ luật, khoảng thời gian mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có vi phạm không bị xử lý kỷ luật.

Các quy định trước đây đều không đặt ra vấn đề thời hiệu, tuy nhiên trong thực tế nhiều trường hợp sai phạm diễn ra đã lâu, nếu cứ để kỷ luật thì cũng không còn nhiều ý nghĩa răn đe, chưa kể khả năng khắc phục hậu quả thấp. Hơn nữa, pháp luật của Nhà nước cũng có quy định về thời hiệu kỷ luật nên phải sửa để đồng bộ.

Quy định mới nêu vi phạm đến mức khiển trách thì thời hiệu 5 năm; cảnh cáo, cách chức là 10 năm; còn khai trừ ra khỏi Đảng thì không có thời hạn, đặc biệt là các lỗi phạm về an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ. Như vậy so với yêu cầu xử lý kỷ luật công dân (24 tháng) thì kỷ luật của Đảng có thời hiệu lâu hơn, vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.

Một điểm mới nữa là quy định không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang được tổ chức Đảng xem xét thi hành kỷ luật...

Không dùng "cho thôi chức" để thay cho "cách chức"

- Theo quy định 102, đảng viên kê khai tài sản, thu nhập không trung thực sẽ bị cách chức. Quy định này xuất phát từ thực tế nào?

- Thực tế có những đảng viên kê khai không trung thực và vừa rồi phải xem xét kỷ luật. Ví dụ trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Công Thương, được cơ quan kiểm tra xác định nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Hay là bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cũng vi phạm những điều đảng viên không được làm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ.

Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm là khuôn khổ để đảng viên chấp hành, còn quy định 102 là thi hành, xử lý kỷ luật nếu đảng viên vượt khuôn khổ đó.

Ngoài ra, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nếu phát hiện sai phạm của cán bộ thuộc diện này thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan sẽ vào cuộc. Bộ Chính trị cũng giao cấp uỷ địa phương xây dựng quy định tương tự để triển khai ở cấp dưới.

- Một số trường hợp kỷ luật cán bộ, đảng viên đã áp dụng hình thức “cho thôi chức”. Quy định 102 đưa ra nguyên tắc “cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức”. Các khái niệm này khác nhau ra sao?

- Việc "cho thôi chức" được nêu tại quy định số 260 ngày 2-10-2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Trong trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật cho thôi chức thì sẽ được điều động, phân công làm công tác khác chứ không làm công việc cũ.

Tuy nhiên, quá trình xử lý vừa qua xuất hiện một số trường hợp thấy rõ ràng là cho thôi chức thì không phải kỷ luật. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cho rằng đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy, không được "thôi chức" thay cho "cách chức"; hoặc "xoá tên Đảng viên" cũng không phải hình thức kỷ luật mà phải là khai trừ.

Vừa qua cũng có những trường hợp xử lý nội bộ với đảng viên vi phạm. Quy định mới đưa ra nguyên tắc "đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ".

Ví dụ vi phạm ở Vinashin, rõ ràng là vi phạm pháp luật, không để xử lý nội bộ trong Đảng mà phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Căn cứ vào bản án của toà, người vi phạm sẽ bị khai trừ, kể cả với án treo.

Nói như vậy để thấy rằng quy định nào cũng xuất phát từ thực tiễn, chứ không thể chung chung. Thực tiễn đặt ra phải có quy định để ngăn chặn việc anh vi phạm pháp luật, đáng lẽ phải xử lý theo pháp luật thì lại xử lý nội bộ, xuê xoa cho nhau.

- Quy định mới càng khắt khe càng khó thực hiện, ông nghĩ thế nào về điều này?

-  Quy định này có tính giáo dục, phòng ngừa, nhắc nhở cán bộ đảng viên thực hiện đúng. Điều này không phải khắt khe và cũng không phải bây giờ mới ban hành mà đã sửa đổi đến lần thứ 3 rồi.

Đây là quy định hết sức cần thiết, làm căn cứ xử lý đảng viên vi phạm. Tôi nghĩ rằng nội dung này cũng phải thông tin rộng rãi để cán bộ đảng viên và người dân giám sát. Bây giờ cứ nói đảng viên nào đó vi phạm nhưng hành vi vi phạm thế nào thì không biết, nên phải có quy định để đối chiếu, so sánh. Nếu người dân không biết hành vi nào là sai thì không thể giám sát.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó giải thích từ ngữ cụ thể để mọi người hiểu rõ.

Quy định mới đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có hai trường hợp sau:

- Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".

- Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hoàng Thùy/VNE

Có thể bạn quan tâm