ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH GIA LAI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 1092/QĐ-UBND Gia Lai, ngày 8 tháng 11 năm 2013
QUYẾT ĐỊNH
Quy định xét tuyển dụng viên chức nhà nước của tỉnh Gia Lai năm 2013
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Điều 127 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật viên chức năm 2010; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức; Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ Ban hành quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức; quy chế thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức và Nội quy kỳ thi tuyển, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định xét tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp Nhà nước của tỉnh Gia Lai năm 2013.
(Số lượng, yêu cầu từng vị trí cần tuyển dụng theo bảng phân bổ từng địa chỉ sử dụng kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển:
1) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
2) Từ đủ 18 tuổi trở lên;
3) Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; không nói ngọng, nói lắp, không dị dạng về hình thể;
4) Có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng;
5) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo và các điều kiện, tiêu chuẩn khác phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
Các trường hợp đào tạo theo loại hình từ xa, yêu cầu trước đó phải có một bằng tốt nghiệp chuyên môn trình độ cao đẳng trở lên, thì mới được tham gia dự tuyển.
6) Không thuộc các trường hợp: Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; bị kỷ luật buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn chấp hành quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Hồ sơ dự tuyển do Sở Nội vụ phát hành theo mẫu, gồm:
1. Đơn dự tuyển theo mẫu (người dự tuyển tự viết tay vào mẫu đơn) có cam kết công tác ít nhất 05 năm tại nơi dự tuyển;
2. Sơ yếu lý lịch tự thuật theo mẫu (người dự tuyển tự viết tay vào mẫu); yêu cầu khai đầy đủ, rõ ràng, chính xác, trung thực, cụ thể từng nội dung quy định (không được để trống); có dán ảnh, đóng dấu giáp lai, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
3. Bản photocoppi các loại giấy tờ:
a) Bằng tốt nghiệp chuyên môn (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đối với người tốt nghiệp năm 2013) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt và được kiểm định qua Cục Khảo thí thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Học bạ hoặc bảng điểm có ghi điểm trung bình chung toàn khoá (nếu học bạ hoặc bảng điểm không ghi điểm trung bình chung toàn khoá thì phải có giấy xác nhận điểm trung bình chung toàn khoá của cơ sở đào tạo). Trường hợp có bảng điểm hoặc học bạ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt và được kiểm định qua Cục Khảo thí thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Sổ hộ khẩu gia đình (có chứng thực);
d) Giấy khai sinh;
đ) Bằng tốt nghiệp THPT (trừ một số trường hợp tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp theo quy định); bằng tốt nghiệp THCS (đối với một số trường hợp dự tuyển tốt nghiệp hệ 9+3);
e) Các loại giấy tờ liên quan khác (giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, hưởng chính sách như thương binh; giấy xác nhận đang hưởng chính sách liệt sỹ, thương binh, bệnh binh...) được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực;
4. Giấy khám sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận đủ sức khoẻ phục vụ công tác lâu dài có giá trị trong 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ;
5. Hai bì thư dán tem, ghi địa chỉ liên lạc thuận tiện nhất, số điện thoại;
6. Các loại giấy tờ của hồ sơ phải đầy đủ, sạch sẽ, không được tẩy xoá và đựng trong phong bì 24x34cm;
Điều 4. Nộp hồ sơ, thời gian nhận hồ sơ, lệ phí dự tuyển:
1. Nộp hồ sơ dự tuyển:
a) Mỗi người dự tuyển chỉ được nộp một hồ sơ vào một nơi đăng ký xét tuyển. Nếu một người nộp hồ sơ ở hai nơi đăng ký xét tuyển trở lên thì sẽ bị loại khỏi danh sách xét tuyển.
b) Người dự tuyển vào các sở, ban, ngành; đơn vị thuộc Sở, ban, ngành nào phải ghi rõ tên đơn vị dự tuyển và nộp hồ sơ tại Văn phòng (hoặc phòng Tổ chức cán bộ) thuộc sở, ban, ngành đó; Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, đúng đắn của hồ sơ.
c) Người dự tuyển vào các đơn vị thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) nào thì nộp hồ sơ tại phòng Nội vụ huyện, thị xã, thành phố đó; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, đúng đắn của hồ sơ.
d) Người dự tuyển phải trực tiếp nộp hồ sơ (không được nhờ người khác nộp thay). Khi đi nộp hồ sơ, người dự tuyển phải xuất trình bản chính các loại giấy tờ quy định tại Khoản 3, Điều 3 quyết định này để người nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu và phải ký xác nhận các thông tin cá nhân trong danh sách đăng ký dự tuyển cùng với người nhận hồ sơ dự tuyển; người tiếp nhận hồ sơ dự tuyển phải có giấy biên nhận hồ sơ trao cho người dự tuyển, có đóng dấu treo của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
đ) Người dự tuyển đã thực hiện đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và có đầy đủ hồ sơ theo quy định thì nơi tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Người dự tuyển có hồ sơ đủ điều kiện theo quy định mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ từ chối tiếp nhận nhưng không có lý do chính đáng thì người dự tuyển có thể phản ảnh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tại địa chỉ: 03 Hai Bà Trưng, TP.Pleiku, Gia Lai; hoặc số điện thoại 059 3823061).
2. Thời gian nhận hồ sơ: tính từ ngày quyết định này có hiệu lực đến 9 giờ 00 phút ngày thứ 20 là hết hạn (kể cả thứ 7, chủ nhật và những ngày nghỉ lễ, nếu có).
3. Lệ phí dự tuyển: 140.000 đồng/hồ sơ dự tuyển. Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trích 20% trên tổng số lệ phí hồ sơ dự tuyển về Sở Nội vụ để phục vụ công tác xét tuyển.
Điều 5. Nội dung xét tuyển viên chức
Xét kết quả học tập, bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển.
Điều 6. Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển:
1. Cách tính điểm xét tuyển: Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm kết quả học tập (được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học toàn khóa, được quy đổi theo thang điểm 100) cộng điểm tốt nghiệp (được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn, được quy đổi theo thang điểm 100) cộng điểm chính sách ưu tiên (nếu có), cụ thể như sau:
a) Con ruột các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (trước ngày 19/8/1945), người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động: 30 điểm.
b) Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi tỉnh Gia Lai có thời gian công tác liên tục từ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: 15 điểm.
Trường hợp người dự tuyển có nhiều chính sách ưu tiên thì chỉ được xét một chính sách ưu tiên cao nhất;
Trường hợp người dự tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp; có kết quả học tập không có điểm tốt nghiệp thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp; có bảng điểm hoặc học bạ ghi điểm trung bình toàn khoá, điểm thi tốt nghiệp theo thang điểm 4 thì phải quy đổi sang thang điểm 10 do cơ sở đào tạo xác nhận.
2. Cách xác định người trúng tuyển theo thứ tự:
a) Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, con ruột liệt sỹ.
b) Người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ (có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên), người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi trở lên (các trường công lập) đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng (ưu tiên tuyển trước người có hộ khẩu trong tỉnh), theo thứ tự từ điểm cao đến thấp;
c) Người đã tốt nghiệp hệ cử tuyển (theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGD&ĐT-BLĐTB&XH-BTC-BNV-UBDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc) phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, theo đúng địa chỉ, địa phương cử đi học, theo thứ tự từ điểm cao đến thấp;
d) Nếu cùng một địa chỉ tuyển dụng có nhiều người tham gia dự tuyển có trình độ như nhau, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thì ưu tiên tuyển trước người dân tộc Jrai, Bahnar, theo thứ tự từ điểm cao đến thấp;
đ) Người tham gia Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển và đăng ký vào vị trí cần tuyển, theo thứ tự từ điểm cao đến thấp;
e) Người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai đủ 60 tháng trở lên tính đến ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (kể cả các trường hợp đã cắt chuyển hộ khẩu ra khỏi tỉnh để đi học nay tốt nghiệp ra trường), xét theo thứ tự người có trình độ chuyên ngành cao hơn, người có điểm xét tuyển cao hơn (ưu tiên xét trước loại hình đào tạo chính quy công lập);
g) Nếu vẫn còn nhu cầu tuyển thì xét tiếp người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai chưa đủ 60 tháng và hộ khẩu ở tỉnh khác theo thứ tự người có trình độ chuyên ngành cao hơn, người có điểm xét tuyển cao hơn (ưu tiên xét trước loại hình đào tạo chính quy công lập);
h) Đối với các trường hợp từ điểm b đến điểm g khoản 2 Điều này nếu có từ 02 người trở lên có kết quả điểm xét tuyển bằng nhau thì xét trúng tuyển trước theo thứ tự người có điểm tốt nghiệp (hoặc điểm bảo vệ luận văn) cao hơn, người có chứng chỉ tin học cao hơn, người có chứng chỉ ngoại ngữ cao hơn; nếu vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.
Điều 7. Tổ chức thực hiện:
1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo niêm yết công khai Quyết định này và nhu cầu các đơn vị cần tuyển tại nơi thuận tiện để mọi người dân đều biết, thực hiện, giám sát.
b) Chỉ đạo tổ chức nhận hồ sơ, thủ tục theo quy định; kiểm tra, giám sát việc không thực hiện tiếp nhận hồ sơ khi có đủ thủ tục quy định. Vào lúc 9 giờ 10 phút ngày cuối cùng hết thời hạn nhận hồ sơ thủ tục phải báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để giám sát, kiểm tra, theo dõi.
c) Lập hội đồng xét tuyển của cơ quan, đơn vị mình, trong đó Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện phải là Chủ tịch Hội đồng xét tuyển.
d) Tổ chức xét tuyển và chịu trách nhiệm về kết quả đề xuất xét tuyển viên chức thuộc thẩm quyền mình phụ trách.
đ) Lập văn bản đề nghị nêu rõ diễn biến quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nộp lên Sở Nội vụ trước 23 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực (kể cả thứ 7, chủ nhật và những ngày nghỉ lễ, nếu có) và kèm theo: Quyết định thành lập Hội đồng xét tuyển; biên bản họp Hội đồng xét tuyển; danh sách người người dự tuyển; danh sách người đề nghị trúng tuyển (theo mẫu) kèm theo USB (hoặc gửi email về địa chỉ ccvcsnv@gmail.com) về công tác xét tuyển (trong đó danh sách người dự tuyển và danh sách người đề nghị công nhận trúng tuyển, yêu cầu phải ghi đầy đủ các thông tin theo quy định, không được để trống; Các danh sách này phải lập trên bảng tính Excel, font chữ Times New Roman). Khi đi nộp thủ tục xét tuyển yêu cầu phải có hồ sơ của người dự tuyển để Sở Nội vụ kiểm tra, đối chiếu.
e) Giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo về công tác xét tuyển dụng viên chức theo thẩm quyền.
g) Thông báo kết quả tuyển dụng và quyết định tuyển dụng viên chức sau khi có văn bản thống nhất trúng tuyển của Sở Nội vụ.
2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm:
a) Tổng hợp, thẩm định kết quả xét tuyển của sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.
b) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết (hoặc đề nghị UBND tỉnh giải quyết) khiếu nại, tố cáo trong công tác xét tuyển dụng viên chức theo thẩm quyền.
c) Rà soát, tổng hợp, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan điều tiết hồ sơ dự tuyển từ những nơi thừa nguồn tuyển đến nơi thiếu nguồn tuyển để xét tuyển đủ theo nhu cầu, đúng các quy định xét tuyển theo quyết định này.
d) Thống nhất danh sách trúng tuyển viên chức trong tỉnh và báo cáo UBND tỉnh kết quả xét tuyển. Những trường hợp đề nghị trái với quy định này thì Sở Nội vụ không xem xét, giải quyết. Trường hợp nếu có đề nghị tiếp theo của sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết cuối cùng.
đ) Sở Nội vụ từ chối tiếp nhận viên chức trong thời gian Quyết định xét tuyển có hiệu lực. Khi hoàn thành xong công tác xét tuyển, nơi nào còn thiếu, Sở Nội vụ tiếp tục tiếp nhận hoặc tổng hợp đề xuất UBND tỉnh tiếp nhận theo thẩm quyền.
e) Báo Gia Lai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện có trách nhiệm đăng tin, đưa tin Quyết định này.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 5 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
- Như điều 8;
- TT Tỉnh ủy (báo cáo); Đã ký
- TT HĐND tỉnh;
- Ban TCTU; Phạm Thế Dũng
- Sở Nội vụ;
- UBND cấp huyện;
- Báo Gia Lai, Đài PTTH tỉnh (đưa tin);
- Website tỉnh;
- Lưu: VT, NC.