Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quy hoạch của TP Thủ Đức đến năm 2040 sẽ như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP. Thủ Đức định hướng phát triển giao thông công cộng gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả. Từ đó tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai, bảo vệ môi trường…
Dân số 3 triệu người
Ngày 17/3, UBND TPHCM cho biết, đã ban hành quyết định về duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán lập Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch 1/10.000 là toàn bộ TP.Thủ Đức; quy mô lập quy hoạch khoảng 21.156 ha.
Công tác nghiên cứu quy hoạch phải rà soát quy hoạch chung TPHCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Thủ Đức. Cơ quan chức năng phải phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TPHCM. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển khu đô thị hướng Đông TPHCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của TPHCM và là khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân; Khu công nghệ cao và khu ĐH Quốc gia TPHCM.

Đến năm 2040, TP. Thủ Đức dự kiến có đất xây dựng đô thị khoảng 19.994 ha.
Đến năm 2040, TP. Thủ Đức dự kiến có đất xây dựng đô thị khoảng 19.994 ha.
Các cơ quan cũng cần dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc dự báo nhu cầu phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển không gian TPHCM.
Nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ để đề xuất mô hình phát triển TP.Thủ Đức theo định hướng phát triển giao thông công cộng gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả. Từ đó tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai, bảo vệ môi trường…
Đồng thời, cơ quan chức năng cần làm rõ các tiền đề hiện có (địa lý, kinh tế, hạ tầng, nhân lực...) và các điểm hạn chế trong việc TP. Thủ Đức với vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo lớn của Việt Nam.
Tổng dự toán chi phí cho việc lập đồ án này là gần 36 tỷ đồng. Dự kiến quy mô dân số đến năm 2030 của TP. Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.
Quy mô đất đai đến năm 2030 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 18.830 ha, đến năm 2040 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 19.994 ha.
Phải xóa quy hoạch treo
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, TP. Thủ Đức với quy mô dân số 1 triệu người, gồm 34 phường. Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TPHCM-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu.

Quy hoạch của TP. Thủ Đức bắt buộc phải giải quyết được bài toán quy hoạch treo, dự án treo để giải phóng quỹ đất.
Quy hoạch của TP. Thủ Đức bắt buộc phải giải quyết được bài toán quy hoạch treo, dự án treo để giải phóng quỹ đất.
Kể từ khi thành lập, TP. Thủ Đức tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như khoa học và công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái; giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước.
“Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tùng nói.
Mục tiêu phát triển TP. Thủ Đức là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM một cách chiến lược. Trọng tâm phát triển TP.Thủ Đức theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, là một trong các động lực tăng trưởng của TPHCM và khu vực. Phát triển không gian đô thị TPHCM phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển, thích ứng biến đổi khí hậu, ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng;
Đồng thời, hình thành các hạt nhân của các trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị, củng cố cấu trúc đô thị đa cực.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng, quy hoạch của TP. Thủ Đức bắt buộc phải giải quyết được bài toán quy hoạch treo, dự án treo để giải phóng quỹ đất. Cần phải có trung tâm phát triển quỹ đất tiến tới hình thành công ty phát triển quỹ đất công thuộc sở hữu nhà nước. Đơn vị này sẽ cung cấp quỹ đất cho các dự án.

Toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TPHCM gần như đi qua địa bàn Thủ Đức. Do đó, Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn.
Toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TPHCM gần như đi qua địa bàn Thủ Đức. Do đó, Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn.
Tương tự, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, TP. Thủ Đức cần nghiên cứu sâu sắc hơn không gian kinh tế và không gian đầu tư để thu hút doanh nghiệp. Quy hoạch phải trả lời được câu hỏi vì sao doanh nghiệp chọn đầu tư vào TP. Thủ Đức? Lãnh đạo TP. Thủ Đức cũng phải giải được bài toán quỹ đất, tránh tình trạng quy hoạch xong, nhà đầu tư không “vào” được vì giá trị đầu tư rất lớn bởi giá đất tăng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhấn mạnh, TP. Thủ Đức có lợi thế về sông nước, khi toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TPHCM gần như đi qua địa bàn Thủ Đức. Do đó, Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, cần những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm.
Theo Duy Quang (Báo Tiền Phong)
https://tienphong.vn/quy-hoach-cua-tp-thu-duc-den-nam-2040-se-nhu-the-nao-post1423765.tpo

Có thể bạn quan tâm