Kinh tế

Quy hoạch đường cao tốc Bắc Nam phía Đông dài 1.811km

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô 4- 8 làn xe, tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỉ đồng.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông sẽ sớm được hình thành để kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (đường sắt, cảng biển, sân bay...) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng 1.469km (bao gồm cả việc mở rộng đoạn Pháp Vân- Cầu Giẽ) với tổng mức đầu tư khoảng 272.600 tỉ đồng.

Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông nhằm mục đích kết nối các dự án đã và đang triển khai, đồng thời làm cơ sở để các bộ, ngành và các địa phương triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.

Hiện tại có ba đoạn tuyến được tiến hành xây dựng gồm: Cầu Giẽ- Ninh Bình dài 50km, rộng 6 làn xe, tổng mức đầu tư 9.650 tỉ đồng; Bến Lức- Trung Lương dài 37km, 8 làn xe, tổng mức đầu tư 14.970 tỉ đồng và đoạn Dầu Giây- Long Thành dài 43km, 6- 8 làn xe, tổng vốn đầu tư 16.340 tỉ đồng.

Từ năm 2011- 2020 sẽ đầu tư các đoạn: Ninh Bình- Thanh Hóa, Thanh Hóa- Hà Tĩnh, Quảng Trị- Đà Nẵng, Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Quảng Ngãi- Bình Định, Bình Định- Nha Trang; Nha Trang- Phan Thiết, Phan Thiết- Dầu Giây, Long Thành- Bến Lức và Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Sau năm 2020 sẽ xây dựng 342 km (bao gồm cả việc mở rộng đoạn Dầu Giây- Long Thành, Bến Lức- Trung Lương) với tổng đầu tư khoảng 68.723 tỉ đồng.

Một số đoạn tuyến có vốn đầu tư lớn như: Bình Định- Nha Trang (35.905 tỉ đồng), Nha Trang- Phan Thiết (35.708 tỉ đồng), Quảng Ngãi- Bình Định (29.750 tỉ đồng)...

Nguồn vốn đầu tư được huy động từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay; nguồn vốn do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo các hình thức như BOT, BTO, BT, PPP (hợp tác Nhà nước- tư nhân...), trong đó có thể có đóng góp một phần vốn từ ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch, tổng quỹ đất để xây dựng các tuyến đường là khoảng 1.219.050 ha, trong đó diện tích đã chiếm dụng của các tuyến đường đã và đang được xây dựng khoảng 53.440 ha, diện tích cần bổ sung thêm khoảng 1.165.610 ha.

Để quản lý chung trên toàn tuyến, quy hoạch cũng sẽ xây dựng ba trung tâm điều hành vùng ở các khu vực phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm điều hành vùng này liên kết với các nhà điều hành của các đoạn tuyến để điều hành chung, theo dõi hoạt động quản lý khai thác trên toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông nói riêng và toàn bộ mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nói chung.

Theo chinhphu.vn


Có thể bạn quan tâm