TN - Đất & Người

Quy hoạch "Thành phố Pleiku-thành phố vì sức khỏe"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó chính là “slogan” mà chuyên gia quy hoạch cao cấp Francois Bourgineau (Công ty Tư vấn Arep Ville- Cộng hòa Pháp)- Chủ nhiệm dự án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đưa ra trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến vừa diễn ra mới đây tại thành phố Pleiku.

Ý tưởng quy hoạch thành phố Pleiku

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo chuyên gia quy hoạch cao cấp Francois Bourgineau thì thực trạng ô nhiễm đô thị tại Việt Nam đang là vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi chuyên gia đưa ra những con số liên quan đến môi trường thì ai nghe cũng phải “giật mình” như chỉ số hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường EPI công bố năm 2014 thì Việt Nam đứng thứ 136 trên tổng số 178 quốc gia và thứ 111/178 về tác động môi trường đến sức khỏe con người, 140/178 về chất lượng nước và đáng lưu ý nhất là Việt Nam đứng thứ 170/178 về chất lượng không khí.

Trong khi đó, Pleiku lại được chuyên gia đánh giá là “Đô thị đang nắm giữ một kho báu quý giá với khí hậu mát mẽ, không khí trong lành, nguồn nước tươi mát từ Biển Hồ, nền sản xuất nông nghiệp xanh và sạch, tài nguyên rừng phong phú cùng cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp”. Đây chính là lợi thế của Pleiku, vì thế vị chuyên gia này cho rằng Pleiku nên ưu tiên khai thác lợi thế thiên nhiên và tập trung vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, với những thuận lợi về vị trí địa lý, về giao thông như: trung tâm kinh tế -xã hội tổng hợp của tỉnh, đô thị hạt nhân của khu vực Bắc Tây Nguyên và thuộc hành lang kinh tế vùng biên giới Lào, Campuchia và Việt Nam; có sân bay, có đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14, 19, 25… đi qua. Đặc biệt, với bản sắc văn hóa đậm đà của đồng bảo các dân tộc thiểu số như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”, nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng nhà mồ… Nhóm chuyên gia (đơn vị tư vấn thiết kế) đã đề xuất thực hiện điều chỉnh thành phố Pleiku theo các mục tiêu: bảo tồn và phát huy cảnh quan thiên nhiên; phát triển theo hướng dịch vụ và thương mại; phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, đặc biệt là chú trọng đến cây dược liệu; phát triển các trung tâm dịch vụ logistics và khai thác lợi thế đầu mối; tránh các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa có sự hòa nhập của đồng bào các dân tộc thiểu số…

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Nhiều nhận xét, góp ý quý giá

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính-Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam thì đây là ý tưởng lãng mạn và đầy tính khả thi, song cần cân nhắc tên ý tưởng để đô thị Pleiku xứng đáng với tầm vóc đô thị loại I và là đô thị rất quan trọng ở vùng Tây Nguyên trong tiến trình phát triển đất nước. Cũng trăn trở về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển-Nguyễn Văn Vịnh cho rằng Pleiku là đô thị hạt nhân, là động lực và là cầu nối cho sự phát triển của vùng Tây Nguyên và quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) thì định hướng phát triển “vì sức khỏe” chưa cho thấy được vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Pleiku đối với vùng. Vì vậy, cần bổ sung thêm không gian cho các ngành, lĩnh vực khác như thương mại, logistics, công nghiệp chế xuất… Quan trọng là làm sao để Pleiku phát triển theo hướng liên kết, kết nối được các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ để trở thành vùng động lực của cả nước.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh-nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại đưa ra những số liệu liên quan đến hệ thống đô thị Việt Nam, những định hướng, chiến lược quốc gia… Từ đó nhìn nhận, đánh giá về vị trí, vai trò của thành phố Pleiku một cách cụ thể, khách quan để định hướng phát triển Pleiku phải dựa trên 5 trụ cột chính đó là: Mở rộng và khai thông các mối quan hệ liên vùng; tăng cường vị thế, vai trò, và động lực phát triển bền vững hệ thống các cực tăng trưởng ở Tây Nguyên. Trong đó, thành phố Pleiku phát triển thành trung tâm dịch vụ tổng hợp, dịch vụ logictics của khu vực Bắc Tây Nguyên và là trung tâm lễ hội cồng chiêng của Tây Nguyên; hình thành, giữ gìn bộ khung bảo vệ thiên nhiên và giữ vững quốc phòng-an ninh…

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Rất nhiều ý kiến đóng góp quý giá khác đã được nêu trong Hội thảo như ý kiến về bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà; Vai trò di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị ở Pleiku của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài. Đặc biệt là phần nhận xét về hiện trạng kinh tế tài chính và định hướng phát triển của thành phố Pleiku của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam đã đưa ra đánh giá quan trọng về năng lực kinh tế hay những kinh nghiệm quý báu trong quy hoạch của các tỉnh bạn như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm