Toàn tỉnh hiện có 6 quỹ TDND là Trà Bá, Thắng Lợi (TP. Pleiku), An Khê (thị xã An Khê), Kon Dơng (huyện Mang Yang), Đak Đoa (huyện Đak Đoa) và Ia Kha (huyện Ia Grai). Các quỹ TDND hoạt động theo mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực cho vay vốn, tuân thủ các quy định của pháp luật, dưới sự quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.
Các quỹ đều tổ chức chặt chẽ, hoạt động linh hoạt, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa khách hàng và các thành viên. Đến nay, 6 quỹ TDND có hơn 7.300 thành viên, trong đó hơn 2.700 thành viên vay trên 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh-cho biết: “Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi nhận thấy các quỹ TDND đều chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng số lượng thành viên góp vốn, gửi tiền, vay vốn. Do vậy, các quỹ TDND đều hoạt động có lãi, ổn định việc làm cho khách hàng và thành viên, góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng ở cơ sở”.
Quỹ TDND Thắng Lợi hiện có 1.623 thành viên, trong đó, khoảng 40% thành viên là người dân tộc thiểu số. Ông Rah Lan Phik (làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho hay: “Sau khi được vay 15 triệu đồng, mình mua 5 con heo giống về nuôi và mua phân để bón cho hơn 1 ha cà phê. Đến kỳ hạn trả nợ, mình cầm tiền đến trả cả gốc lẫn lãi cho Quỹ TDND Thắng Lợi”.
Các quỹ tín dụng nhân dân đã làm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn cho nông hộ và hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Ảnh: Sơn Ca |
Ông Đặng Văn Sống-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh:“Thời gian qua, các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đều hoạt động linh hoạt, đúng quy định, không ngừng mở rộng địa bàn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Nhiều quỹ TDND được xếp hạng tốt, không có đơn vị nào xếp hạng trung bình”.
Bà Phan Trịnh Thục Uyên-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ TDND Thắng Lợi-cho biết: “Quỹ TDND Thắng Lợi được thành lập vào năm 1995. Từ đó đến nay, Quỹ hoạt động ổn định về tín dụng, tăng trưởng về huy động vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức quy định. Trong 7 tháng năm 2024, tỷ lệ nợ xấu là 0,3%, trong khi mức giới hạn quy định chung là 3% tổng dư nợ.
Nhờ kinh doanh đạt hiệu quả mà Quỹ thường xuyên có lãi, chi trả tiền lương trung bình gần 11 triệu đồng/người/tháng và được các cơ quan biểu dương, khen thưởng hàng năm”.
Còn Quỹ TDND thị trấn Ia Kha hiện có hơn 1.000 thành viên (tăng 30 thành viên so với cuối năm 2022), trong đó có gần 400 thành viên đang vay gần 50 tỷ đồng để đầu tư làm nông nghiệp và kinh doanh. Mỗi khách hàng được vay từ 10 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, tùy theo từng món vay, từng dự án phát triển nông nghiệp, kinh doanh.
Các thành viên góp vốn, gửi tiền, vay vốn của Quỹ TDND thị trấn Ia Kha đều sinh sống, làm việc ở thị trấn Ia Kha và 2 xã Ia Hrung, Ia Grăng.
Nhiều năm qua, Quỹ TDND thị trấn Ia Kha đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính, tín dụng, quản trị, điều hành và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đôn đốc thu hồi nợ. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đều giảm. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ nợ xấu là 1,6% tổng dư nợ, giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm 2021; năm 2023 còn 1,5% tổng dư nợ.
Bà Lưu Thị Xuân-Giám đốc Quỹ TDND thị trấn Ia Kha-cho hay: “Quỹ TDND thị trấn Ia Kha giảm sâu tỷ lệ nợ xấu là nhờ quản lý tốt, thẩm định đúng, kiểm soát chính xác. Tuy vậy, một số khách hàng vẫn chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ thanh toán kịp thời, thậm chí còn trốn khỏi nơi cư trú.
Trước tình hình đó, Quỹ đã tăng cường cán bộ, nhân viên xuống cơ sở để nắm tình hình, động viên khách hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn, không nợ dây dưa”.