Kinh tế

Tài chính

Quỹ tín dụng nhân dân không thể dần dần biến thành ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã khẳng định như trên tại Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM năm 2019 khi nhiều quỹ tín dụng than khó cạnh tranh với ngân hàng.
 
Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị đưa vào kiểm soát đặc biệt do mất thanh khoản và sử dụng vốn sai mục đích - Ảnh: A LỘC
Tại hội nghị diễn ra ngày 10-1, bà Dương Thị Quỳnh Nga - giám đốc quỹ tín dụng nhân dân An Bình Phú, cho hay hiện nay TP.HCM có 19 quỹ tín dụng đang hoạt động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, các quỹ tín dụng ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty tài chính, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại, trong cả huy động vốn và cho vay.
"Hiện các ngân hàng thương mại đã đặt các phòng giao dịch xuống đến từng phường và tham gia thị trường tín dụng với những khoản vay cá nhân nhỏ trong khi lại có lợi thế hơn quỹ tín dụng về lãi suất cho vay. Do quy mô nhỏ nên các quỹ tín dụng không có được sự đa dạng về các sản phẩm tiền gửi hay có năng lực tài chính để thực hiện các chương trình khuyến mãi như các ngân hàng thương mại", bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, quỹ tín dụng nhân dân dù được phép huy động lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại nhưng chỉ tập trung ở kỳ hạn ngắn và biên độ chênh lệch không nhiều. Do đó cũng rất khó thu hút và giữ chân khách hàng tiền gửi về lâu dài. Vì vậy các chỉ tiêu về vốn huy động thị trường dân cư thường không tăng hoặc tăng thấp.
Kênh huy động vốn cũng không đa dạng, chủ yếu huy động từ dân cư, từ ngân hàng hợp tác… khiến nguồn vốn hoạt động có thời điểm bị thiếu hụt. Mặt khác do nguồn lực tài chính hạn hẹp nên các quỹ tín dụng khó áp dụng công nghệ mới vào kinh doanh để tiếp cận khách hàng, theo kịp xu hướng ngành ngân hàng.
Cùng ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, tổng giám đốc quỹ CEP, cho rằng dù khi mở ra, các tổ chức tài chính vi mô đã được huy động vốn trong dân chúng nhưng để cạnh tranh với ngân hàng là không thể, cần có sự tiếp sức lớn hơn.
Về quy định các quỹ tín dụng hiện nay không được mở tài khoản thanh toán trực tiếp cho khách hàng, bà Vân cho rằng quy định này làm cho các tổ chức tài chính vi mô hạn chế trong việc tiếp cận, phục vụ đối tượng khách hàng thu nhập thấp.
Bà cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các quỹ tín dụng tham gia vào hệ thống thanh toán quốc gia để có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trực tiếp, phục vụ khách hàng nhanh chóng, hiệu quả…
Trả lời các kiến nghị này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định quỹ tín dụng nhân dân phải hoạt động đúng bản chất là mô hình hợp tác xã chứ không thể là một ngân hàng thương mại.
"Ngân hàng Nhà nước rất kiên quyết và không bao giờ chấp nhận lùi bước trước quỹ tín dụng nhân dân. Vì nếu quỹ tín dụng nhân dân mà hoạt động như một ngân hàng thương mại thì sớm muộn gì cũng đổ vỡ và khi đó sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống", ông Tú nhấn mạnh.
Về vấn đề cạnh tranh, ông Tú khẳng định quỹ tín dụng nhân dân phải hoạt động với bản chất, chứ nếu huy động ngoài thành viên, cho vay ngoài thành viên khác nào một ngân hàng đại chúng. Phải trở lại bản chất của quỹ thì mới tồn tại và phát triển được.
"Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng mô hình quản lý, cơ chế vận hành hợp lý với mô hình của quỹ tín dụng nhân dân. Sẽ sớm có hành lang pháp lý để hoạt động tài chính vi mô phát triển lành mạnh, đúng hướng và không thể dần dần biến thành ngân hàng.
Chúng ta đã có bài học quá lớn khi chuyển các ngân hàng từ nông thôn lên thành thị. Do vậy phải có ranh giới phù hợp cho mô hình quỹ tín dụng", ông Tú nói thêm.
A.Hồng (TTO)

Có thể bạn quan tâm