Bạn đọc

"Quyền lực" của thời gian rỗi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thiên tài Albert Einstein từng đúc kết một câu: “Điểm khác biệt giữa con người nằm ở khoảng thời gian rảnh rỗi của từng người. Thời gian rảnh sau giờ làm sinh ra nhân tài, đồng thời cũng sinh ra kẻ lười biếng, kẻ mê rượu, kẻ cờ bạc”. Như vậy, thời gian rỗi có “quyền lực” nhất định đối với mỗi người. 
Những ai quan tâm đến lịch sử châu Úc đều biết đến một câu chuyện đáng quên về cộng đồng người Aboriginal. Họ là thổ dân Úc-những cư dân đầu tiên và xa xưa nhất của lục địa này. Ngày nay, người Aboriginal có một cuộc sống mà nghe qua ai cũng nghĩ đó là thiên đường, bởi ai cũng được chính phủ trợ cấp, không phải lo nghĩ chuyện kiếm sống. Song cũng vì thế mà tỷ lệ phạm tội ở khu vực này ngày càng gia tăng, khiến Chính phủ Úc phải đau đầu tìm cách giải quyết.  
Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ thứ XVI, người châu Âu bắt đầu thám hiểm và khai phá châu Úc. Kéo theo đó là chính sách đồng hóa khiến ngôn ngữ và văn hóa nhiều tộc người bản địa gần như biến mất. Không chỉ vậy, người Úc bản địa còn bị xem thường và gánh chịu rất nhiều bất công trên chính mảnh đất của mình. Mãi đến năm 2008, khi đắc cử chức Thủ tướng, ông Kevin Rudd đã thay mặt Chính phủ thực hiện một hành động hết sức nhân văn: xin lỗi cộng đồng người Aboriginal. Và để xóa đi những sai lầm trong quá khứ, hàn gắn vết thương do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra, Chính phủ đã có chính sách chuộc lỗi bằng cách trợ cấp toàn bộ cho người dân. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà người Aboriginal bị triệt tiêu động lực trong cuộc sống như đã nói ở trên.   
Từ câu chuyện trên, ta có một góc nhìn thực tế để thấy rằng câu nói của Albert Einstein là hoàn toàn xác đáng. Người Việt nôm na cũng có một câu tương tự nhưng thâm thúy không kém: “Rảnh rỗi sinh nông nổi”. Như vậy, cách “ứng xử” với thời gian rỗi vẽ ra tương lai của mỗi con người. Song, việc quản lý thời gian rỗi cũng là một kỹ năng không sẵn có mà đòi hỏi quá trình tự nhận thức và học hỏi. Đặc biệt, hiện nay, không ít người, nhất là các bạn trẻ phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, vào chiếc điện thoại nhiều tiện ích. Ngay cả người viết bài này cũng không chắc mình đã biết cách sử dụng thời gian rỗi một cách hợp lý. 
Nhiều chuyên gia kỹ năng sống đã góp phần giải đáp thắc mắc của nhiều người liên quan đến vấn đề trên. Theo đó, nếu chỉ dành ra khoảng 30 phút rảnh rỗi mỗi ngày để đọc vài trang sách hay tự học thêm ở một lĩnh vực nào đó thì kết quả hoàn toàn khác so với việc lúc nào cũng “lậm” vào game, mạng xã hội hay các cuộc rượu... Tất nhiên cũng là thú giải trí, nhưng nếu biết cân bằng để có thể quản lý thời gian rỗi tốt hơn thì ta sẽ không lãng phí và có thể tạo ra những giá trị khác biệt. Có lẽ không cần phải so sánh mức độ thành công giữa một người dành ra thêm 30 phút mỗi ngày tương đương 900 phút/tháng để học hỏi so với những người còn lại. Các chuyên gia còn khuyên nên dành khoảng thời gian này cho việc ra ngoài gặp gỡ, thiết lập các quan hệ xã hội để trải nghiệm nhiều hơn; tăng tính kết nối với gia đình, bạn bè; tập luyện thể dục thể thao; tham gia các hoạt động ngoài trời, hoạt động xã hội… Chúng giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất lẫn tinh thần, mở đường cho quá trình tìm kiếm sự thành công trong cuộc sống.
Lẽ dĩ nhiên, ai cũng mong muốn lấp đầy thời gian rỗi bằng những điều hữu ích song lại khó vượt qua sự nuông chiều bản thân, sự trì hoãn của những cám dỗ và thói quen cũ. Do vậy, mỗi người cần hình thành thói quen tích cực, quý trọng và dành thời gian cho mục tiêu có ích. Để khi nhìn lại, ta sẽ thấy hạnh phúc vì đã biết sử dụng thời gian một cách thông minh.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm