(GLO)- Lời Tòa soạn: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 4-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh Gia Lai đã quyết liệt ngăn chặn, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh.
* P.V: Ông có thể cho biết sơ bộ tình hình vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh?
- Đại tá PHAN THANH TÁM: Hiện nay, một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, trang trải cuộc sống nhưng khó tiếp cận với nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Vì vậy, một số người dân chấp nhận vay tiền của các cá nhân, doanh nghiệp với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng thủ tục đơn giản.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm đầu mối cho vay, bán hàng nợ lãi suất cao với hàng ngàn người vay, mua nợ hàng hóa. Lãi suất vay theo thỏa thuận giữa các bên thường từ 2% đến 5%/tháng. Thủ tục vay rất nhanh, chủ yếu là tín chấp, có trường hợp không cần cầm cố tài sản; hình thức cho vay đa dạng (cho vay tiền mặt hoặc bán nợ hàng hóa), trả nợ bằng tiền mặt hoặc gán nợ bằng tài sản, sản phẩm nông nghiệp. Cá biệt, có trường hợp trả lãi bằng công lao động. Hoạt động cho vay lãi suất cao để lại hậu quả rất nặng nề. Nhiều trường hợp không có điều kiện trả lãi định kỳ dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng trả nợ buộc phải sang nhượng tài sản có giá trị như nhà, đất cho chủ nợ hoặc bị chủ nợ bắt giữ, đe dọa tính mạng, cưỡng đoạt tài sản để gán nợ.
Các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hình thức trả nợ để người nghèo, người dân tộc thiểu số dễ tiếp cận vay vốn. Ảnh: Đ.T |
* P.V: Đối với hoạt động cho vay lãi suất cao thì các chế tài pháp luật có quy định điều chỉnh, xử lý như thế nào và ngành Công an đã rà soát, xử lý ra sao, thưa ông?
- Đại tá PHAN THANH TÁM: Pháp luật hiện hành có chế tài xử lý hành chính về hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, mức phạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Về xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khi lãi suất cho vay vượt quá 100%/năm (trên 8,33%/tháng) và thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng thì bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Hoạt động cho vay lãi suất cao diễn ra ở nhiều địa phương nhưng việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về quy định pháp luật; thủ đoạn của đối tượng cho vay rất tinh vi; nạn nhân không báo và bất hợp tác với lực lượng chức năng. Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, qua đó phát hiện, xử lý 23 vụ việc liên quan đến cho vay lãi suất cao. Trong đó có 7 vụ phạm pháp hình sự (Công an tỉnh khởi tố 5 vụ, 11 bị can; 2 vụ đang điều tra); phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết 16 vụ (trong đó chuyển Tòa án giải quyết 5 vụ, hòa giải 11 vụ); triệt phá 1 công ty núp bóng doanh nghiệp hoạt động cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, phát hiện, xử lý hành chính 33 đối tượng về hành vi treo, dán quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay lãi suất cao với số tiền 49,5 triệu đồng; thu giữ 9.739 tờ rơi, tháo dỡ 7.363 tờ rơi, quảng cáo cho vay.
* P.V: Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hệ lụy của hoạt động vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn, Công an tỉnh đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
- Đại tá PHAN THANH TÁM: Với vai trò nòng cốt, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công an tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, Công an các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với các đối tượng liên quan hoạt động cho vay lãi suất cao, lợi dụng núp bóng doanh nghiệp, dịch vụ tài chính để cho vay lãi nặng kèm đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động cho vay tiền, bán nợ hàng hóa lãi suất cao cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về phương thức, thủ đoạn hoạt động cho vay lãi suất cao và hậu quả, hệ lụy của nó. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hình thức trả nợ để người dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số dễ tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống...
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)