(GLO)- “Em ơi, ở xóm chị hôm qua có 2 người bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Giờ em cho cháu ra thì chị không yên tâm. Hay em để cháu ở nhà rồi chị nói mấy đứa nhỏ chạy xe xuống trông để em đi làm”. Với giọng đầy lo lắng, chị gái tôi nói qua điện thoại như thế khi tôi ngỏ ý muốn gửi con lên nhà chị để đi làm.
Nhà chị gái tôi ở khu thu nhập thấp thuộc tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Cách đây 3 năm, đúng ngày mùng 3 Tết, lúc đang đứng trước cổng nhà đợi bố mẹ dắt xe ra để chở đi chơi, đứa con gái thứ 2 của chị bị một con chó lao vào cắn chảy máu chân phải đi tiêm phòng gấp. Bác sĩ nghi ngờ con chó đã lên cơn bệnh dại nên quyết định tiêm huyết thanh. Tiêm cho con xong thì cả nhà không còn tâm trí để đi chơi Tết nữa.
Tình trạng nuôi chó thả rông trên địa bàn TP. Pleiku gây ảnh hưởng tới người đi đường. Ảnh: Nhật Hào |
Nhắc lại câu chuyện này, chị tôi cho rằng, trường hợp con chị bị chó cắn thời điểm đó vẫn còn hiếm và là chó ở nơi khác tới. Còn hiện nay, xung quanh khu vực chị tôi đang sinh sống, người dân nuôi chó nhiều hơn và đa phần nuôi thả rông nên mới xảy ra một số trường hợp người dân đi thể dục hay đi lại trên tuyến đường bị chó nuôi từ trong nhà lao ra cắn buộc phải đi tiêm vắc xin ngừa bệnh dại.
Không chỉ riêng tại xóm chị tôi, hiện nay, tình trạng nuôi chó thả rông phổ biến ở nhiều khu dân cư gây rắc rối cho người dân xung quanh. Cách đây 3 tháng, con trai tôi cũng không may bị con chó của nhà hàng xóm cắn vào tai, gò má phải đi tiêm phòng bệnh dại. Trước đây, con chó này được chủ nuôi nhốt nhưng không hiểu sao từ đó đến nay lại thả đi tự do. Trong khi đó, xóm tôi có nhiều trẻ con 2-5 tuổi và các cháu lại thích chơi với các con vật nên đã không ít trường hợp các mẹ phàn nàn vì con mình bị chó cắn. Dù vậy, khi trao đổi với chủ nhân của con chó thì chỉ nhận được những câu trả lời dửng dưng: “Con chó nhà chị chưa được tiêm phòng dại nhưng nó bình thường, có gì đâu mà lo”; hay “Con chó này hiền lắm. Nó cắn bọn nhỏ chẳng qua là do trêu chọc nó”.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói riêng, trong cả nước nói chung xảy ra nhiều trường hợp chó nuôi thả rông đã lao ra cắn người đi đường, trong đó có trường hợp tử vong. Đơn cử như trường hợp em K.P. (11 tuổi, làng Choan Luh, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) tử vong ngày 3-6-2022. Theo nhận định của Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do K.P. bị nhiễm vi rút dại. Trước đó, ngày 2-5, khi đang đi trên đường làng, em K.P. bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Một rắc rối khác là nhiều trường hợp tham gia giao thông không may bị tai nạn ngã xe khi bất ngờ gặp chó lao từ trong nhà ra đường. Bên cạnh đó, việc chó vô tư phóng uế trên các tuyến đường gây ô nhiễm. Tuy nhiên, vì sợ mất tình đoàn kết xóm làng, các hộ dân xung quanh thường ít khi lên tiếng. Đa phần chỉ lắc đầu ngán ngẩm như: “Ô nhiễm lắm cháu ơi!”, “Nhiều khi khách tới nhà chơi mà đường sá như này cũng ngại lắm, đã hẹp rồi còn bẩn nữa” hay “Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện với chủ hộ rồi nhưng họ vẫn nuôi thả rông thì biết làm sao được. Giờ hàng xóm với nhau, nói gắt quá thì mất tình cảm”.
Để hạn chế tình trạng nuôi động vật thả rông gây ra các hiểm họa về sức khỏe, tính mạng con người, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 về xử phạt trong lĩnh vực thú y. Theo đó, tại Điều 7 của Nghị định, phạt từ 600 ngàn đến 800 ngàn đồng đối với một trong những hành vi như: không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nghị định còn quy định, ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiểm tra việc tiêm phòng bệnh dại chó, đồng thời xử phạt các hành vi để chó chạy rông cắn người, gây tai nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc đặc trị, các trường hợp lên cơn dại đều có nguy cơ tử vong rất cao. Để phòng tránh, người nuôi chó cần chủ động tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho vật nuôi; đồng thời, tránh nuôi thả rông gây nguy hiểm đến người dân xung quanh. Khi xảy ra trường hợp bị chó, mèo cắn hoặc liếm vào vết thương hở, người dân cần đi tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh dại theo chỉ định của nhân viên y tế.
NHẬT HÀO