Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Rao bán thông tin cá nhân: Có thể điều tra ra ngay, nhưng vì sao chấp nhận 'sống chung với lũ'?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều cơ quan, lãnh đạo doanh nghiệp đã giật mình khi biết mình trong các danh sách thông tin được rao bán công khai trên mạng.
 
Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội để tránh bị lộ thông tin, bị đem rao bán - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, nhiều đơn vị có danh sách khách hàng bị rao bán khẳng định đơn vị mình không tiết lộ thông tin.
Phải chấp nhận "sống chung với lũ"?
Từng sở hữu xe Mercedes-Benz, hiện đã chuyển sang dùng loại xe khác nhưng anh Hiếu (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM) bất ngờ thông tin cá nhân từ tên công ty, địa chỉ và số điện thoại nằm trong danh sách "1.300 khách hàng sở hữu ôtô Mercedes HCM" đang được bán tràn lan trên mạng. 
Anh Hiếu bức xúc khi không rõ thông tin bị lộ từ nguồn nào và anh thường xuyên bị làm phiền bởi những lời "chào mời" mua hàng từ nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có ôtô.
Lần theo dữ liệu công khai thông tin khách hàng mua ôtô, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ ngẫu nhiên một số tài khoản, cho thấy xác suất khách hàng sở hữu xe khá cao. Song vẫn có một số thông tin khách hàng ảo.
Khi phóng viên cung cấp các thông tin cá nhân, bao gồm chức vụ, số điện thoại, tên công ty... trong danh sách 400 doanh nhân đang được rao bán với giá bạc triệu trên mạng, bà C.T.Q. (giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM) cho rằng mình là nạn nhân. 
Theo bà, nhiều nguồn có thể nắm được thông tin cá nhân của mình từ siêu thị, các shop, các website... 
Việc thông tin bị rao bán thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của vị giám đốc này khi mỗi ngày phải nhận hàng chục cuộc điện thoại làm phiền từ mời chào mua bảo hiểm, buôn bán đất đai, mở thẻ ngân hàng... 
Do đó, bà Q. cho rằng cần phải chọn cách "sống chung với lũ" bằng cách sử dụng nhiều số điện thoại để tách bạch phần có thể để lộ và phần buộc phải giữ kín.
Doanh nghiệp phủ nhận lộ thông tin khách hàng
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng (NH) đều cho rằng những tệp thông tin khách hàng của mình rao bán trên mạng không lộ từ doanh nghiệp mình.
Đại diện Ford VN cho biết đã chuyển danh sách thông tin "7.000 khách hàng mua xe Ford" đến bộ phận chuyên môn công ty kiểm tra. Nhìn nhận ban đầu, đại diện Ford VN cho rằng khả năng thông tin khách hàng trên là chưa chính xác.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 2-6, đại diện truyền thông của Mercedes-Benz cho biết đã tiếp nhận thông tin và tiến hành xác thực khách hàng trong danh sách có phải là khách hàng của hãng hay không. "Khi có kết quả xác minh, chúng tôi sẽ nhanh chóng phản hồi đến báo" - vị này nói.
Một đại diện Sacombank khẳng định các thông tin từ ngân hàng luôn theo tiêu chí thống nhất khai báo và lưu trữ. Trong khi những thông tin trong danh sách rao bán không như vậy, mà thu thập theo kiểu tùy hứng. Đơn cử danh sách được rao bán là họ tên có dấu. Trong khi tên khách hàng trong form ngân hàng không bao giờ có dấu.
Đại diện VPBank cũng cho hay ngân hàng này đã kiểm tra sơ bộ thông tin khách hàng theo số điện thoại trong danh sách được rao bán thì trên hệ thống không ghi nhận chủ thuê bao có số dư, thậm chí mã khách hàng tại VPBank. Như vậy, đây không phải là danh sách xuất ra từ hệ thống VPBank. Ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, nếu có khách hàng nào tại VPBank sẽ lập tức có biện pháp xử lý theo quy định.
Phải quyết tâm ngăn chặn
Ông Yeo Siang Tiong, tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: "Hành vi trao đổi dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội có thể khá vô hại đối với các công ty lớn. Nhưng với tỉ lệ cao người dùng sử dụng thiết bị cá nhân để làm việc, một tài khoản xã hội của nhân viên bị đánh cắp có thể đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống bảo vệ trực tuyến của doanh nghiệp bị tấn công. Chúng tôi mong doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo về an ninh mạng để nâng cao nhận thức về bảo mật cho nhân viên".
Là nạn nhân bị rao bán thông tin, bà Q. cho rằng người dân vẫn phải tự bảo mật nhưng cũng đề nghị các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để hạn chế tối đa việc rao bán thông tin cá nhân, ngăn chặn từ đầu những hệ lụy có thể xảy ra như bị lừa đảo, ăn cắp tài khoản NH...
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định: "Chỉ cần cơ quan điều tra muốn và quyết liệt vào cuộc thì có thể điều tra ra ngay". 
Theo luật sư Đức, các đối tượng rao bán công khai dữ liệu cá nhân đều để lại đầu mối liên lạc (số điện thoại, email, tài khoản Zalo, thậm chí cả tài khoản ngân hàng...), cơ quan chức năng có thể truy ra đối tượng, tìm nguồn cung dữ liệu. "Cần phải ngăn chặn triệt để gấp", luật sư Đức đề nghị.
Nhiều kẻ mua thông tin để lừa
Trên thực tế, nhu cầu mua bán thông tin rất lớn, có trường hợp mua thông tin nhằm có dữ liệu khách hàng tiềm năng cho phân khúc của mình, chẳng hạn bán nhà đất. Nhưng cũng không hiếm trường hợp mua thông tin để lừa.
Chị Hạnh (Q.Bình Thạnh) cho hay ngày 1-6 chị nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên một công ty, đọc đúng họ tên, số điện thoại và cả địa chỉ nhà chị Hạnh và nói công ty đang có chương trình tri ân khách hàng. Trước đây chị đã có đơn hàng online trị giá hơn 200.000 đồng, nên nhân kỷ niệm 2 năm thành lập công ty có món quà tặng chị là chai nước hoa Chanel trị giá 2 triệu đồng. Họ yêu cầu thanh toán tiền ship giá 199.000 đồng.
Cảnh giác khả năng thông tin cá nhân có thể đã bị mua để lừa đảo, chị Hạnh không nhận và cúp máy. "Sau đó tôi lên mạng và đọc được thống kê nói đó là một trong hàng chục chiêu lừa hiện nay. Trên thực tế đó là nước hoa giả trị giá chỉ khoảng 20.000 đồng", chị Hạnh nói.

ÁNH HỒNG

Một phần do người dùng dễ dãi?
Theo kết quả khảo sát về hành vi trực tuyến của người dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) năm 2019 của hãng bảo mật Kaspersky, cho thấy 22% người dùng thừa nhận chia sẻ thông tin về tài khoản mạng xã hội để tham gia giải các câu đố vui, 18,9% thừa nhận sẽ chia sẻ quyền riêng tư để nhận được phần mềm, dịch vụ hoặc quà tặng miễn phí...
Báo cáo còn cho thấy 55,5% người tham gia khảo sát trong các nhóm tuổi 16-24 và 25-34 tin rằng sự riêng tư trực tuyến là không tưởng. Do đó, họ sẵn sàng hi sinh dữ liệu cá nhân nếu có thể đạt lợi ích và những lượt thích (like) trong ngắn hạn từ mạng xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, hầu hết người tham gia sử dụng mạng xã hội không có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình và người khác, vô tư đăng tải thông tin cá nhân lên mạng.
Đ.THIỆN
ĐỨC THIỆN-ÁNH HỒNG-CÔNG TRUNG-NGỌC HIỂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm