TN - Đất & Người

Rau củ, trái cây Tây Nguyên đổ về TP HCM ngày càng nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai là vùng sản xuất, cung ứng rau củ, trái cây quan trọng cho TP HCM.

Ngày 3-4, tại TP HCM, Sở Công Thương TP HCM làm việc với sở công thương các tỉnh vùng Tây Nguyên và doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất khu vực Tây Nguyên về nội dung kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên trong năm 2024.

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết Tây Nguyên đang dần trở vùng sản xuất, cung ứng quan trọng cho TP HCM.

Rau củ quả, trái cây Tây Nguyên đang chiếm đến 2/3 lượng nông sản thực phẩm về chợ đầu mối Hóc Môn hằng đêm. Trung bình, mỗi ngày chợ Hóc Môn tiếp nhận hơn 2.000 tấn rau củ quả từ các tỉnh, trong đó có khoảng 1.600 - 1.700 tấn rau củ quả từ các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nhất là Lâm Đồng về chợ trên hơn 2000 tấn/ngày đêm.

Theo ông Phong, vùng sản xuất này ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa nông sản cho TP HCM.

Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết nông sản từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về TP HCM ngày càng nhiều

Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết nông sản từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về TP HCM ngày càng nhiều

Đơn cử, với mặt hàng trái vải, trước đây chủ yếu từ 2 tỉnh phía Bắc là Hải Dương và Bắc Giang. Hai năm trở lại đây, nguồn trái vải từ Đắk Nông, Đắk Lắk đã được đưa về phân phối ở 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức với chất lượng không thua kém vải Bắc Giang, sản lượng dồi dào.

"Xét về khoảng cách địa lý thì trái vải từ Tây Nguyên vận chuyển về TP HCM gần và thuận tiện hơn. Trái vải Tây Nguyên chín sớm hơn vải trồng ở phía Bắc nên bán được giá. Năm rồi, trái vải của Tây Nguyên bán ở chợ đầu mối Hóc Môn có giá thấp nhất là 17.000 đồng, nông dân đã có lời" – ông Phong nói.

Ông Phong góp ý các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng mở rộng vùng trồng, làm bao bì, xuất xứ cho sản phẩm để gia tăng nhận diện thương hiệu và khả năng cạnh tranh. "Có thể làm bao bì đơn giản là đóng thùng xốp, dán thông tin nhà sản xuất/cung cấp lên đó" – ông Phong gợi ý.

Đại diện sở công thương các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhìn nhận khu vực này có lợi thế lớn về các sản phẩm nông sản, đặc sản. Nhiều loại trái cây, nông sản chất lượng, nông dân làm ra vất vả nhưng đa số sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên đến mùa thu hoạch lại khó tiêu thụ, chẳng hạn như trái bơ, sâm Ngọc Linh... Vì vậy, các doanh nghiệp Tây Nguyên có nhu cầu tiếp cận, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản với TP HCM và các địa phương khác.

Toàn cảnh hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên ngày 3-4

Toàn cảnh hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên ngày 3-4

Về phía nhà phân phối, đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn tại TP HCM chỉ ra rằng hoạt động kết nối hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã "kết" rất nhiều nhưng vẫn chưa "nối" được.

"Nhà phân phối phân phối thường xuyên tham gia các chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và các chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) các địa phương nhưng các doanh nghiệp còn thiếu hồ sơ và lúng túng trong việc làm sao để có bộ hồ sơ chuẩn theo yêu cầu của nhà phân phối"-bà Nguyễn Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), nói.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh thành, chương trình kết nối cung cầu sẽ được triển khai đồng bộ, xuyên suốt cả năm thông qua 3 nhóm nội dung: Kết nối cung cầu trực tuyến; hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2024; kết nối theo mùa vụ, chuyên đề và kế hoạch của các tỉnh thành tại thành phố và các địa phương. Trong đó, trọng tâm là kết nối cung cầu trực tuyến, được thực hiện xuyên suốt cả năm.

Có thể bạn quan tâm