TN - Đất & Người

Rơ Châm Kơmlo vượt lên chính mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong số những người bị bệnh phong ở làng Bluk Bui (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) ông Rơ Châm Kơmlo (sinh năm 1955) là người luôn vượt lên mặc cảm để tự mình trang trải cuộc sống bằng việc đan những chiếc gùi tinh xảo bán cho du khách.    

Ông Kơmlo kể: “Bố mẹ mình bị bệnh phong rồi qua đời từ khi mình mới lên 3. Mình không còn ai thân thích, được người làng cưu mang. Ngày ấy, cái đầu mình chưa cao bằng chiếc gùi người lớn. Thấy mình hay đến xem đan gùi nên già làng đã dạy cho mình. Từ đó, mình thường xuyên lặn lội vào rừng tìm kiếm cây lồ ô và mây rừng về làm gùi”.

 

Ông Rơ Châm Kơmlo bên những chiếc gùi của mình. Ảnh: Đ.Y
Ông Rơ Châm Kơmlo bên những chiếc gùi của mình. Ảnh: Đ.Y

Dù 2 bàn chân không còn lành lặn, đi lại rất khó khăn, nhưng ông Kơmlo luôn cố gắng vượt lên. Dần dần, sự kiên trì cũng được bù đắp, có ngày ông đi bộ trên 10 cây số trong rừng để tìm lồ ô về đan gùi mà không còn thấy chân đau nhức nữa. Với bàn tay khéo léo của mình, những chiếc gùi của ông làm ra được nhiều người biết đến. Chị Rơ Châm Plăt-người dân làng Bluk Bui, nói: “Ông Kơmlo đan gùi giỏi lắm, làm gùi không đủ bán cho khách”. Nghe vậy, ông Kơmlo cười tươi, bảo: Đan gùi khó nhất là công đoạn kết hoa văn truyền thống trên thân gùi. Để kết được những hoa văn đó thì những sợi nan được lấy từ cây lồ ô sau khi phơi khô cần được nhúng vào sơn có màu: đỏ, trắng, vàng. Những chiếc gùi như thế tốn công làm nên bán với giá trên 400.000 đồng/chiếc cao hơn gùi thường (200.000-300.000 đồng/chiếc).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ bà con trong vùng mà những người ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Định cũng biết đến tài đan gùi của ông Kơmlo. Chị Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka, cho biết: “Có nhiều đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà cho bà con bị bệnh phong ở đây, thấy ông Kơmlo đan gùi đẹp nên ai cũng mua về làm quà. Nhiều người ở xa thỉnh thoảng vẫn gọi điện nhờ tôi đặt ông ấy làm gùi”.

Hôm chúng tôi đến, ông đang gấp rút hoàn tất đơn hàng 20 chiếc gùi để gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Ông tâm sự: Hàng ngày, mình cố gắng đan gùi, bán vừa có thêm thu nhập vừa giúp các cháu nhỏ ở xóm này mua đồ dùng học tập. Mình không nhớ là đã hỗ trợ cho các gia đình có con đi học tổng cộng là bao nhiêu nhưng cứ vào năm học mới hay dịp lễ, Tết, mình đều lấy tiền giúp các cháu và đóng góp với bà con trong làng để tổ chức các hoạt động vui chơi. Mình chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để vào rừng tìm lồ ô, mây rừng về làm gùi.    

Ông Rơ Châm Yuen-Trưởng thôn Bluk Bui, nhận xét: “Dù di chứng của bệnh phong khiến ông Kơmlo đi lại khó khăn, nhưng ông không cam chịu số phận mà rất chăm chỉ, chịu khó, sống vì người khác. Số tiền bán gùi, phần nhiều ông chia sẻ cho cháu các gia đình bị bệnh phong trong làng. Tấm lòng của ông Kơmlo thật đáng quý!”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm