TN - Đất & Người

Rơ Châm Luih: Gần nửa thế kỷ gọi "hồn chiêng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 40 năm qua, ông Rơ Châm Luih (làng Ó, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã đặt chân đến rất nhiều buôn làng ở khắp vùng Tây Nguyên để gọi “hồn” cho hàng ngàn bộ chiêng lạc âm.
Mới đây, chúng tôi tìm đến nhà ông Rơ Châm Luih thì nghe người nhà bảo ông đã qua làng Quen (xã Ia Me) chỉnh chiêng để làng chuẩn bị tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Vậy là chúng tôi lại vòng qua làng Quen tìm ông. Lúc này, đội cồng chiêng của làng Quen đang say sưa tập luyện, âm thanh cồng chiêng vang rộn một vùng. Tìm mãi, chúng tôi mới thấy ông Luih đang ngồi ở một góc xa với những cái chiêng lạc âm...
 Ông Rơ Châm Luih (người ngồi ở bìa trái) đang chỉnh chiêng. Ảnh: T.T
Ông Rơ Châm Luih (người ngồi ở bìa trái) đang chỉnh chiêng. Ảnh: T.T
Nói về cái duyên đến với nghề chỉnh chiêng, ông Luih tâm sự: “Mình biết đánh chiêng từ lúc 10 tuổi. Ngày ấy, mình tham gia đội chiêng của làng trong các đám ma, lễ hội hay đánh biểu diễn cho bộ đội. Đến năm 1974, nhà mình bị cháy, bộ chiêng cũng bị hư hại, thế là mình đưa ra gõ và tập chỉnh. Có lẽ nhờ cái tai nghe âm thanh tốt nên mình đã chỉnh được bộ chiêng này. Cũng từ đó, mình bắt đầu đi chỉnh chiêng”.
Khi lớn lên, ông Luih bắt đầu tham gia công tác xã hội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng Công an, ông trở về địa phương làm cán bộ rồi lần lượt được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Ia Tôr. Hiện ông đã nghỉ công tác ở xã. 
Là người “ngoại đạo” về âm nhạc nhưng ông Luih lại rất hiểu về cồng chiêng. Ông bảo, không phải ai chơi được chiêng hay đánh chiêng giỏi cũng biết chỉnh chiêng. Người chỉnh chiêng phải có khả năng thẩm âm thật tốt để biết cái chiêng nào âm chuẩn, cái chiêng nào bị lạc âm. Cứ tự mò mẫm, tìm tòi như thế, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và biết chỉnh âm phù hợp cho từng chiếc chiêng trong một bộ. 
Ông Luih cho biết, một dàn cồng chiêng thường có từ 13 đến 18 cái nhưng có bộ lên đến 24 cái, được sắp xếp từ lớn đến bé. Trong lúc chỉnh phải lấy chiêng mang âm “đô” làm chuẩn, sau đó chỉnh đều cho cả dàn. Có nhiều bộ chiêng rất khó chỉnh như chiêng bằng. Nhiều bộ chiêng, do người đánh không đúng vị trí lâu ngày nên cũng bị lạc âm. Cũng có nhiều bộ chiêng bị oxy hóa nếu không cẩn thận có thể làm hỏng âm. Bởi vậy, nghề chỉnh chiêng đòi hỏi phải tỉ mẩn, cẩn trọng. Khi nhắc về kỷ niệm khó quên trong hơn 40 năm theo nghề chỉnh chiêng, ông Luih tâm sự: “Khó nhất là lần mình chỉnh dàn chiêng cho một nhà thờ ở tỉnh Kon Tum. Dàn chiêng này có 24 chiếc, được làm từ thời vua Bảo Đại. Họ yêu cầu phải chỉnh âm chiêng theo tiếng đàn Organ, điều mà từ xưa đến nay mình chưa từng làm. Nhưng rồi, sau hơn 3 giờ mày mò, mình cũng chỉnh được dàn chiêng này theo ý muốn của họ”.  
Bộ dụng cụ chỉnh chiêng của ông Luih cũng cực kỳ đơn giản, chỉ gồm mấy chiếc búa sắt nhỏ, một chiếc dùi và 1-2 cái đế bằng gỗ. Tùy theo chiếc chiêng “bệnh” nặng hay nhẹ, cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp, ông sẽ gõ vào mặt bên này hoặc bên kia với cường độ khác nhau. Khi chúng tôi hỏi ông đã chỉnh được bao nhiêu bộ cồng chiêng, ông Luih lục lại trí nhớ: “Hơn 40 năm đi chỉnh chiêng, chắc mình đã chỉnh hơn ngàn bộ rồi”.
Không chỉ là nghệ nhân chỉnh chiêng, ông Rơ Châm Luih còn tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các em thiếu nhi ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa); dạy đánh đàn trưng cho các em học sinh ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông. Ngoài ra, ông còn làm và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc khác như: đàn goong, đàn trưng... “Mình cũng đã tìm người để truyền nghề chỉnh chiêng nhưng xem ra thực sự khó khăn. Bởi nghề này không chỉ cần chịu khó học hỏi mà phải có đam mê và năng khiếu thực sự”-ông Luih nói.
Đánh giá về những đóng góp của ông Rơ Châm Luih trong việc duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, ông Dương Văn Hoan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Prông-cho biết: Ông Rơ Châm Luih là người có nhiều đóng góp trong việc duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện nói chung và tỉnh nói riêng, đặc biệt là việc chỉnh chiêng. Ngoài ra, ông còn truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cách sử dụng một số nhạc cụ truyền thống. Với những đóng góp đó, huyện đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp trên công nhận ông Rơ Châm Luih là nghệ nhân dân gian.
Thiên Thanh

Có thể bạn quan tâm