(GLO)- Có dịp ghé làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) hỏi già làng Rơ Lan Hào (SN 1958) thì ai cũng biết. Bà con ở đây dành cho già Hào lòng kính trọng, yêu mến vì sự tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, nêu gương sáng trong mỗi hành động.
Lúc chúng tôi đến nhà cũng là lúc già làng Rơ Lan Hào vừa đi trả lãi ngân hàng về. Rót nước mời khách, ông bảo: “Mình đảm nhận chức vụ già làng đã hơn 10 năm nay. Để bà con tin và làm theo thì trước hết bản thân mình phải là tấm gương sáng”.
Già làng Rơ Lan Hào (bìa phải) là người giỏi đan gùi và sẵn sàng truyền nghề cho những người trẻ trong làng. Ảnh: T.B |
Ông Rơ Lan Din-Trưởng thôn Hăng Ring: “Già làng Rơ Lan Hào là người có kiến thức, nói được làm được nên khi tuyên truyền, vận động bà con đều tin tưởng và làm theo. Già chính là chỗ dựa vững chắc cho bà con, là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, già Hào đã được các cấp chính quyền từ xã, huyện đến tỉnh tuyên dương, khen thưởng”. |
Cách đây 15 năm, gia đình già Hào là một trong 71 hộ khó khăn của làng. Được tiếp xúc với nhiều mô hình phát triển kinh tế của người Kinh, ông đã học hỏi, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Với 1,5 ha cà phê, 5 sào lúa nước, sau khi trừ chi phí, già thu trên 50 triệu đồng/năm. Với những kinh nghiệm của bản thân, già Hào cũng không ngần ngại chỉ bảo lại cho bà con trong làng.
Già Hào cũng luôn nói với người dân trong làng rằng phải học để có kiến thức áp dụng vào thực tế cuộc sống, lao động sản xuất. Vì thế, khi nghe thầy cô Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai phản ánh làng Hăng Ring có nhiều học sinh nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy, già Hào đã cùng các thầy-cô giáo đến từng nhà vận động người dân cho con em đi học. Hiện có 25 em bỏ học đã được già Hào động viên quay lại với trường lớp.
Để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, già Hào đã cùng Ban Nhân dân thôn kêu gọi bà con góp công góp của để làm đường nhựa. Trước mỗi công việc, hoạt động sắp tổ chức, già làng đều cùng cán bộ tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến của bà con để có hướng giải quyết phù hợp. Nhờ đó, các hộ đều đồng thuận, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất thổ cư, di chuyển bờ rào để làm đường. Hiện nay, trong làng có 3 km đường nhựa và đường bê tông được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính già Hào cũng là người vận động dân làng xây dựng một kênh mương nội đồng đón nước từ hệ thống thủy lợi Ia Ring về đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Anh Kpuih Thên (làng Hăng Ring) cho biết: “Già Hào vận động mọi người hiến đất làm đường để đi lại thuận lợi, làm kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất. Nghe già làng nói có lý, đem lại lợi ích cho bà con nên ai cũng nghe theo. Mình cũng tình nguyện hiến 3 m đất để làm đường cho dễ đi lại”.
Khi cuộc sống bà con dần ổn định, già làng Rơ Lan Hào nghĩ ngay đến chuyện gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Jrai. Với kỹ thuật đánh chiêng giỏi, già đã tập hợp và thành lập một đội cồng chiêng thanh-thiếu niên để truyền lại ngọn lửa văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với tài đánh chiêng, già Hào còn đan gùi rất đẹp. Biết đan gùi từ năm 20 tuổi, đôi tay tài hoa của già đã tạo nên không biết bao nhiêu chiếc gùi với kiểu dáng và hoa văn độc đáo. Ngoài việc đan gùi để phục vụ gia đình, tặng cho con cháu, già còn đan gùi theo yêu cầu của người đặt mua, tùy kích cỡ mà mỗi chiếc gùi được bán với giá 150.000-300.000 đồng, giúp gia đình già có thêm thu nhập.
THỦY BÌNH