TN - Đất & Người

Rơ Mah Blup: "Giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống ngày càng mai một, những khung cửi nằm im ắng trong góc nhà, bà Rơ Mah Blup (63 tuổi, làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã nỗ lực khơi dậy nghề dệt truyền thống của dân tộc.

Ngay từ khi lên 10 tuổi, bà Blup đã được mẹ dạy cách chọn và phối màu cho những tấm vải. Ngày ấy, khi đến tuổi trưởng thành, con gái muốn “bắt” chồng phải tự dệt cho người mình thương và gia đình chồng những bộ trang phục và khăn, túi đeo, gối... với những hoa văn đẹp mắt để làm của hồi môn. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, bà Blup đã chú tâm học hỏi, cần mẫn bên khung cửi, cặm cụi tỉ mỉ tạo ra những hoa văn mới lạ, độc đáo. Sản phẩm do bà Blup làm ra đẹp nổi tiếng trong vùng. Cứ thế, nghề dệt đã được bà duy trì suốt mấy mươi năm qua.

 

Bà Blup truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các bạn trẻ. Ảnh : N.T
Bà Blup truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các bạn trẻ. Ảnh : N.T

Tuy vậy, khi xã hội ngày càng phát triển, nghề dệt cũng ngày càng mai một, nhiều phụ nữ trong làng không còn thiết tha với khung cửi. Thấy vậy, bà đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dom thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm để truyền nghề cho các bạn trẻ và đã thu hút được 20 thành viên tham gia. Thường chọn những trang phục truyền thống đẹp nhất để làm mẫu, bà và các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm từ cách nhuộm màu, dệt và bố trí hoa văn để tạo nên một sản phẩm độc đáo. Từ đó, các thành viên tiếp tục “truyền lửa” cho người trong làng. Tuy chưa nhiều nhưng mỗi năm Câu lạc bộ cũng tạo thu nhập 20-25 triệu đồng, giúp chị em có thêm động lực duy trì nghề dệt.

Nhờ siêng năng học hỏi, nhiều bạn trẻ đã dệt thành thạo bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Em Rơ Lan H’Chi (18 tuổi, làng Mook Đen 1) bộc bạch: “Em theo học được một thời gian và thấy nghề dệt rất hay. Em muốn sau này sẽ dệt được những sản phẩm truyền thống nhưng vẫn mang phong cách hiện đại để giới trẻ dễ dàng đón nhận”.

Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết: “Mong ước khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của chị Rơ Mah Blup đã thành công nhờ được lớp trẻ hưởng ứng. Qua đó, chị đã góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào trong mỗi thành viên của làng. Tới đây, xã sẽ tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm tạo cơ hội cho chị em giao lưu, học hỏi và tiếp tục duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm