(GLO)- “Ở làng Chư Kó này Rơ Mah Hun làm kinh tế giỏi nhất. Nhà báo muốn tìm hiểu thì đến gặp Hun mà hỏi”. Nói rồi ông Rơ Mah Tiến-Bí thư chi bộ làng Chư Kó (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) dẫn chúng tôi đến tận nhà Rơ Mah Hun. Trong căn nhà gỗ thoáng mát, ngăn nắp, chúng tôi đã được anh Hun kể cho nghe câu chuyện làm ăn của mình.
“Để lo cho gia đình được như ngày hôm nay, tôi đã phải làm việc không kể ngày đêm, cuốc đất đến phồng rộp cả hai tay”-Rơ Mah Hun bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Rơ Mah Hun chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: N.D |
Rơ Mah Hun sinh năm 1968. Năm 22 tuổi, nhập ngũ và được phân công về lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh rồi ra quân năm 1993. Trước khi nhập ngũ, anh đã có vợ và con gái đầu lòng. Sau khi ra quân, anh về làm Trung đội trưởng dân quân thường trực xã. Hồi ấy, các con còn nhỏ, vợ lại đau ốm liên miên không thể làm rẫy được, cả nhà trông vào tiền phụ cấp dân quân thường trực của anh (400 ngàn đồng/ tháng) nên rất khó khăn.
Vì vậy, năm 1995 anh xin nghỉ không tham gia công tác ở xã nữa để bắt tay vào vực kinh tế gia đình lên. “Mới đầu, tôi phát rẫy xung quanh nhà để trồng đậu phụng 2 vụ. Mỗi năm làm 1 ha thu được 2 triệu đồng. Từ số tiền đó, tôi mua 1 con bò cái, mỗi năm bán đi 1 con bê lấy tiền mua gạo. Năm 1997, tôi bắt đầu trồng 20 cây điều, 2 năm sau đã trồng được 2 ha. Đất tốt nên năm thứ 2 điều đã cho thu bói và năm thứ 3 đưa vào kinh doanh. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm nên tôi trồng 5 mét 1 cây, khi điều phát triển cây to, dày quá lại phải nhổ bớt cho thưa. Cứ như thế, mỗi năm khai hoang thêm một ít và từ nguồn tiền bán điều, tôi mua giống trồng thêm cà phê, cao su. Tôi còn cải tạo đám sình ở khu rẫy của mình để trồng lúa nước 2 vụ và mua thêm bò về nuôi.
Đến nay, gia đình tôi có 8 ha điều, 4,3 ha cao su đã cho khai thác nhưng giá mủ quá thấp nên chưa mở miệng, 1,5 ha cà phê và 7 sào lúa nước 2 vụ, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Có được ngày hôm nay, tôi thấy rất biết ơn thời gian ở bộ đội. Ở đó, tôi không những được rèn luyện về ý chí, về trách nhiệm mà học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm khi tham gia làm công tác dân vận”-anh Hun trải lòng.
Không chỉ với làm kinh tế giỏi, anh còn động viên và chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Trong 3 người con của anh thì cô con gái lớn đã xây dựng gia đình và làm Chủ tịch Mặt trận xã; cậu con trai đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2015 còn cô con gái út đang theo học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Nhắc đến các con, anh nói vui: “Mình phải hy sinh đời bố để củng cố đời con chứ”.
“Trong vai trò là Chi hội trưởng chi hội Nông dân, Rơ Mah Hun rất tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình để về áp dụng nhằm tăng năng suất, cây trồng của gia đình và luôn sẵn sàng giúp đỡ dân làng. Nhà nào không có người làm thì giúp bằng cách đổi công.
Ai muốn làm kinh tế thì giúp đỡ về mặt kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm... Ngoài ra, vào mùa thu hoạch, mỗi ngày anh còn giải quyết việc làm cho từ 5 đến 10 lao động. Mô hình làm kinh tế của gia đình anh, nhất là mô hình lúa nước 2 vụ đã được xã giới thiệu với nhiều đoàn tham quan”-Thiếu tá Phan Văn Chung- Phó Bí thư Đảng ủy Ia Púch xã cho hay.
Nguyễn Dung