Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Robot nấu ăn thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hình thức nhà hàng tự động hóa bắt đầu lên ngôi trong mùa dịch, vừa giải quyết vấn đề cắt giảm nhân sự, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm bởi các món ăn sẽ được robot chế biến.
 
Robot nướng burger của Caliburger ẢNH: MISO ROBOTICS
Robot nướng burger của Caliburger ẢNH: MISO ROBOTICS
Theo Fast Company, chuỗi nhà hàng tự động Spyce vừa mở lại sau thời gian đóng cửa. Đầu bếp trong Spyce là hệ thống robot tên The Infinite Kitchen có thể làm salad và các món nóng, tích hợp công thức nấu 49 món riêng biệt. Đĩa ăn sẽ được đặt trên băng chuyền rồi dừng lại ở các máy phân phối tự động có nhiệm vụ chia khẩu phần thích hợp cho mỗi suất ăn. Ngoài ra còn có một lò hấp siêu nhiệt để luộc mì, một bếp nướng để chế biến thịt và rau củ. The Infinite Kitchen có thể làm 350 suất/giờ, mỗi suất có giá trung bình 11 USD.
Các nhân viên duy nhất của Spyce là đội ngũ giao hàng sẵn sàng đem món ăn tới mọi nơi ở bang Boston (Mỹ). Việc tận dụng nguồn nhân lực sẽ giải quyết phần nào vấn nạn thất nghiệp. Thực đơn mới của Spyce có tính năng tùy chỉnh độ cay, lượng nước sốt, đáp ứng cầu ăn kiêng hay ăn chay của khách hàng.
Đồng sáng lập Michael Farid cùng ba người bạn đã có ý tưởng mở nhà bếp tự động từ lâu. Nhà hàng đầu tiên của họ mở năm 2018, nhưng vì hạn chế kỹ thuật nên nên phải đóng cửa một năm sau đó để nâng cấp hệ thống. Đại dịch đã củng cố ý tưởng nhà bếp tự động của anh, vì Spyce chỉ phục vụ đồ ăn mang đi. Michael Farid cho biết: "Chúng tôi chỉ phục vụ đồ ăn mang đi và giao hàng chứ không phải nhà hàng ăn tại chỗ”.
 
Hệ thống này được các cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts chế tạo ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TECHWEEK
Hệ thống này được các cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts chế tạo ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TECHWEEK
Trước Spyce đã có chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Caliburger dùng robot Flippy có thể làm hơn 300 burger/giờ. Flippy là một cánh tay robot sáu trục do Miso Robotics thiết kế. Nhờ sử dụng nhiệt ảnh, camera và thị giác 3D, Flippy có thể biết khi nào thịt nướng chín vừa đủ.
Đại diện của Miso Robotics cho biết sử dụng robot nấu ăn có thể mang lại sự nhất quán về hương vị, khắc phục nhược điểm nêm nếm gia vị không đều của các đầu bếp. Nhưng mục tiêu lâu dài của Caliburger vẫn là “cải thiện điều kiện lao động của đầu bếp và nhân viên chứ không phải thay thế họ”.
Dù vậy, Flippy chỉ có chức năng trở thịt trên vỉ nướng, con người vẫn tham gia vào những công đoạn còn lại. Trong mùa dịch, Miso Robotics đang có kế hoạch nâng cấp Flippy thành Flippy ROAR, có thể trượt trên đường ray để di chuyển đến mọi vị trí trong nhà bếp.
 
Robot đưa pizza vào lò ở Zume ẢNH: ZUME PIZZA
Robot đưa pizza vào lò ở Zume ẢNH: ZUME PIZZA
Spyce và Caliburger là những nhà hàng tự động hiếm hoi ở Mỹ có thể vực dậy sau thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. Đầu năm nay, thương hiệu Zume Pizza và Cafe X buộc phải đóng cửa các chi nhánh, cắt giảm nhân sự và tạm dừng hệ thống tự động hóa, đồng nghĩa với việc không phải chuỗi cửa hàng tự động nào cũng có thể “ăn nên làm ra” trong mùa dịch.
 
Robot pha cà phê của Cafe X ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE
Robot pha cà phê của Cafe X ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE
Chuỗi Cafe X ở San Francisco (Mỹ) dùng cánh tay robot đứng trong ki-ốt để pha cà phê, tuy vẫn phải có nhân viên nhận đơn từ khách. Còn Zume Pizza sử dụng hệ thống robot và trí tuệ nhân tạo để làm pizza. Ở đầu băng chuyền, một robot được bố trí để ép các khối bột trong vòng 9 giây, sau đó vỏ bánh pizza sẽ trượt trên băng đến vị trí phun và phết nước sốt theo yêu cầu của khách. Đến cuối băng chuyền sẽ có robot đưa bánh vào lò. Sau khi bánh chín, nhiệm vụ của nhân viên là đóng hộp vận chuyển.
Theo Mai Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm