Kinh tế

Rồi mai đây, khi nước sạch về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức JICA Nhật Bản, dự án khai thác nước ngầm nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn 3 tỉnh Tây Nguyên là Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum. Hiện 5 chương trình cấp nước tại 5 xã thuộc 3 tỉnh trên đang triển khai vào giai đoạn cuối. Dự kiến đến cuối năm 2010, nguồn nước sạch dồi dào sẽ đến tận các buôn làng trong niềm hân hoan của các hộ đồng bào DTTS...
Năm 2010 nước sạch sẽ về tận buôn, làng
Chương trình khai thác nước ngầm phục vụ khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai được triển khai tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang và thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Sê. Dự án khởi công từ 1-11-2008 và theo dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30-3-2010.
Bể lọc nước tại thị trấn Kon Dỡng. Ảnh: Quang Tạo
Tổng kinh phí đầu tư cho 2 hệ thống cấp nước ở Gia Lai ước tính trên 124 tỷ đồng, trong đó Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 110 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và người dân đóng góp trên 14 tỷ đồng. Hiện toàn bộ giếng khoan và tuyến đường ống chính ở thị trấn Kon Dỡng đã thi công xong, chỉ còn lại khu xử lý nước. Tại thị trấn Nhơn Hòa, hầu hết các hạng mục công trình đang trong giai đoạn thi công. Dự kiến, năm 2010, gần 18.300 người dân tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang và thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Sê sẽ được dùng nước sạch. Và đến năm 2020, gần 27.000 người dân tại các địa phương trên cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Ông Bùi Văn Tam, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Các hạng mục công trình như: giếng khoan, đường ống chính truyền dẫn nước từ giếng khoan đến khu xử lý nước, bể chứa nước sạch, đường ống phân phối, ống nhánh, đường ống phục vụ nối vào hộ gia đình và 1738 đồng hồ nước v.v… đều được Nhật Bản hỗ trợ. Chính vì vậy, những hộ dân trong vùng dự án chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ (trên dưới 200.000 đồng) để ráp ống sau đồng hồ và đặt vòi nước.
Giàn khoan nước ngầm đang thi công tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Sê. Ảnh: Quang Tạo
Giải pháp tháo gỡ vướng mắc
Tổng kinh phí đầu tư cho 5 công trình nước sạch nông thôn 3 tỉnh Tây Nguyên khoảng 20.393.000 USD, tương đương 324,4 tỷ đồng, trong đó phía Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 288,555 tỷ đồng (89% tổng kinh phí) để: khai thác nguồn nước ngầm, truyền dẫn, xử lý nước, phân phối, đường ống, đường ống nối vào các hộ gia đình và đồng hồ đo nước, cung cấp máy khoan giếng và thiết bị hỗ trợ, thiết kế chi tiết, giám sát thi công và hoạt động phần mềm như truyền thông, đào tạo chuyển giao công nghệ. Vốn đối ứng của Việt Nam 2.254.000 USD tương đương 35,855 tỷ đồng (11% tổng kinh phí) bao gồm ngân sách TW: 94.000 USD, tương đương 1,5 tỷ đồng chi trả phí ký ngân hàng, đăng ký bảo hiểm, thuế cho phương tiện và hoạt động của Ban quản lý dự án thuộc Trung tâm quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn (Bộ NN&PTNT). Ngân sách địa phương và người dân đóng góp: 2.160.000 USD tương đương 34,36 tỷ đồng bố trí đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng đường đến công trình, cấp điện, thoát nước, lắp đặt đường ống và đồng hồ nước đến hộ gia đình…
Tuy nhiên, vướng mắc cần tháo gỡ khi thiết kế dự án phía Nhật Bản chỉ có một đường ống chính chạy dọc theo đường nhựa. Như vậy, một bộ phận hộ dân dù ở trong vùng dự án nhưng bên kia đường sẽ không được hưởng lợi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Dự án được Nhật Bản thiết kế từ năm 2000, lúc này hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã vẫn đang còn là đường cấp phối (đường đất), mãi đến năm 2008 dự án mới được triển khai, thì lúc này hầu hết các tuyến đường đã được kiên có hóa. Chính vì vậy, để dự án phát huy hiệu quả, chính quyền 3 tỉnh Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum phải đầu tư hơn 100 km đường ống  chính với đường kính 75 mm trở  xuống (cụ thể, 2 tỉnh Đak Lak và Gia Lai mỗi tỉnh phải đầu tư ít nhất khoảng 40km đường ống, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng). Đây được xem là giải pháp khả dĩ nhất phát huy tối đa hiệu quả dự án tránh tình trạng mổ xẻ đường nhựa vừa gây tốn kém vừa ảnh hưởng đến dân sinh…
Quang Tạo

Có thể bạn quan tâm