Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Rục rịch "bắt đáy" bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi thị trường bất động sản hồi phục, giá địa ốc có thể tăng 20%-30% so với mức đáy.

Trong bối cảnh lãi suất giảm nhanh, Chính phủ cùng với các bộ và địa phương quyết liệt triển khai những giải pháp kích thích và hỗ trợ nền kinh tế đã góp phần giúp thị trường bất động sản (BĐS) không rơi vào kịch bản "đóng băng", khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thị trường…

Đã có giao dịch trở lại

Theo khảo sát tháng 5-2023 của DKRA Group, nguồn cung mới của phân khúc đất nền, đất vùng ven trong tháng đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua, tăng 2,1 lần so với tháng trước dù giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tháng 5 của DKRA Group cũng cho thấy phân khúc đất nền đang xuất hiện những tín hiệu hồi phục rõ rệt hơn so với các sản phẩm BĐS khác, đơn cử như căn hộ.

Ông Bùi Công Bằng - người làm môi giới ở khu vực Tà Đùng, thị trấn Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - cho hay sau 1 năm trầm lắng, giá nhiều mảnh đất có view đẹp ở khu vực này đã giảm sâu tới 50%-60% nên gần đây đã có nhiều người khắp nơi quan tâm đổ về "bắt đáy". Thậm chí, nhiều người đã có đất không bán "cắt lỗ" mà còn tìm mua thêm vì cho rằng giá hiện quá rẻ. Những người trước đây vì giá cao không mua được nên lần này cũng tìm cơ hội "xuống tiền". "Tôi vừa chốt xong hợp đồng công chứng cho vợ chồng anh khách ở Hà Nội vào mua mảnh đất gần 10 ha mà giá chỉ 4 tỉ đồng ở thôn 2, thị trấn Quảng Khê. Khu đất này trước đây chủ ra giá tới 10-11 tỉ đồng nhưng vì nợ ngân hàng nên kêu bán bằng mọi giá. Đất nằm mặt tiền đường nhựa, nhìn ra thung lũng, có mây rất đẹp vào mỗi sáng nên khách Hà Nội vào thấy là chốt cọc liền" - ông Bằng chia sẻ.

Bà Hồng (TP HCM) đã mua 2 mảnh đất ở khu vực hồ Tà Đùng nhưng khi thấy mảnh đất có vườn sầu riêng, cạnh suối với diện tích gần 2 ha, chủ bán chỉ với giá 2 tỉ đồng nên quyết định mua luôn. Thế nhưng, tới ngày hẹn đặt cọc, chủ đất đòi tăng giá lên 2,3 tỉ đồng với lý do đã xoay được tiền đáo hạn ngân hàng nên không bán nữa hoặc được giá mới bán. Vì chủ đất tăng giá vô lý, bà Hồng đã đi tìm mảnh đất khác nhưng chưa có mảnh nào ưng ý.

Trong khi đó, ông Hoàng Thanh (ngụ quận 7, TP HCM) vừa quyết định đặt cọc mua 3 lô đất (mỗi lô 1.000 m2) ở khu vực gần ga Mương Mán, tỉnh Bình Thuận. Theo ông Thanh, 3 lô đất này đã tách thửa đúng pháp luật, giá tiền vừa phải, gần hồ, có vườn thanh long mà chỉ cách TP Phan Thiết có 10 km. "Với mức giá 500 triệu đồng/lô đất, tôi tin có thể lên 700-800 triệu đồng sau vài tháng hoặc cao lắm là 1 năm cũng là quá lời so với các kênh đầu tư khác nên tôi không ngần ngại mua luôn" - ông Thanh kỳ vọng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, thị trường đất vườn, đất nghỉ dưỡng ở một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng và một số tỉnh Tây Nguyên khác đều đang thu hút nhà đầu tư trở lại.

Một khu đất đồi khu vực hồ Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông đang được rao bán “cắt lỗ”

Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Wowhome, cho rằng thời điểm hiện tại được xem là cơ hội cho những người muốn mua đất vườn để đầu tư hoặc làm nơi nghỉ dưỡng. Bởi giá đất vườn hiện nay đã giảm rất sâu so với mức đỉnh 2 năm trước, người bán "cắt lỗ" rất nhiều nên người mua dễ dàng chọn lựa sản phẩm ưng ý với giá tốt nhất.

Tuy nhiên, theo nhà môi giới này, một yếu tố bất lợi với thị trường đất vùng ven, cũng như thị trường BĐS nói chung hiện nay chính là dòng tiền chưa thật sự mạnh, vay đầu tư BĐS còn khó. Vì vậy, người có nhu cầu mua đất vườn chỉ quyết định "xuống tiền" khi tìm được mảnh đất có giá thật hợp lý - tức đã giảm sâu, pháp lý rõ ràng - rồi mới đến các yếu tố về khoảng cách, vị trí địa lý thuận lợi… Diện tích và giá cả trung bình của BĐS thu hút người mua hiện nay, theo ông Kiên, là khoảng 1-3 ha, giá bán khoảng 3-4 tỉ đồng trở lại.

Ở góc độ chuyên gia, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính - Doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng trong quá khứ, cứ sau 2-3 năm khó khăn, trầm lắng, thị trường BĐS sẽ hồi phục. "Các ngân hàng xem đây là giai đoạn để xử lý các tài sản nợ xấu (nếu có), còn doanh nghiệp, cá nhân sau khi cầm cố BĐS buộc phải chốt bán "cắt lỗ" chứ không thể gồng mãi được. Vì thế, chắc chắn giá sau "cắt lỗ" có thể cũng tăng 20%-30%..." - TS Lê Đạt Chí phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, một yếu tố khác thúc đẩy thị trường BĐS hồi phục là khi nhà đầu tư có lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán, thường dịch chuyển dòng vốn sang tích lũy BĐS vì 2 kênh này dòng tiền liên thông nhau. Tuy vậy, chu kỳ năm nay có khác một chút là khó khăn có thể kéo dài hoặc sự dịch chuyển dòng tiền nhẹ hoặc ít hơn vì các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế trong và ngoài nước còn khó khăn, dòng tiền đang tắc ở một số doanh nghiệp. "Theo tôi, thị trường vẫn cần phải thanh lọc thêm nên sóng BĐS có thể chậm hơn sóng chứng khoán khoảng 1 - 2 quý. Tuy vậy, hiện nay khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng, chưa xác lập cũng có thể xem là cơ hội để những nhà đầu tư có tài chính vững mạnh tham gia thị trường. Vì giai đoạn này, người mua BĐS sẽ ở thế chủ động, nếu khi thị trường tăng mới nhảy vào sẽ gặp rủi ro cao" - TS Lê Đạt Chí nhìn nhận.

Theo DKRA Group, khu vực ven TP HCM hay các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh đang có hàng loạt dự án đầu tư công, các tuyến đường lớn đang triển khai, đặc biệt là tuyến Vành đai 3 vừa được khởi công cuối tuần qua, đã góp phần kích thích thị trường BĐS những nơi này rục rịch hồi phục. Các chuyên gia, môi giới BĐS tin rằng BĐS xung quanh các tuyến đường mới sẽ thu hút nhà đầu tư và sớm tăng giá trở lại.

Có thể bạn quan tâm