Kinh tế

Giá cả thị trường

Rủi ro nào khi tiền ồ ạt đổ vào điện mặt trời?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Một loạt dự án điện mặt trời của các ông chủ tư nhân đã và đang chạy đua để hoàn thành xây dựng và vận hành thương mại. Nguồn: internet
Một loạt dự án điện mặt trời của các ông chủ tư nhân đã và đang chạy đua để hoàn thành xây dựng và vận hành thương mại trước ngày 30/6 nhằm hưởng chính sách giá mua điện mặt trời 9,35 cents/Kwh.
Nói không với điện than
Cơ quan vận hành hệ thống điện lưới quốc gia Anh (ESO) ngày 8/5 cho biết lần đầu tiên kể từ năm 1882, nước này đã có thể phát điện trong một tuần liền mà không sử dụng than đá, trong bối cảnh Anh đang hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon về mức 0. Ông Fintan Slye, Giám đốc ESO, cho biết việc phát điện không dùng than đá như thế này sẽ diễn ra thường xuyên khi ngày càng nhiều loại năng lượng tái tạo được đưa vào hệ thống năng lượng của nước Anh.
Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ - ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 5 trên thế giới, được cho là đang xem xét lệnh cấm cho vay đối với các nhà máy nhiệt điện than mới. Mitsubishi UFJ vốn được biết đến là ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 5 trên thế giới, được cho là đang xem xét lệnh cấm cho vay để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Đầu năm nay, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã trở thành tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố dừng tham gia tài trợ điện than. Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corporation (OCBC) của Trung Quốc, ngân hàng lớn thứ hai Đông Nam Á, cho biết hai nhà máy nhiệt điện của Việt Nam là Nghi Sơn 2, Vân Phong 1 sẽ là những nhà máy nhiệt điện chạy than cuối cùng mà ngân hàng này tài trợ bởi sẽ tăng tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế và Bảo hiểm Xuất khẩu Nippon Nhật Bản - cùng với một nhóm các ngân hàng thương mại bao gồm MUFG, Sumitomo Mitsui Bank Corp, Mizuho Bank và Sumitomo Mitsui Trust Bank, cũng như các ngân hàng Singapore OCBC và DBS - đã công bố quyết định tài trợ cho dự án Vân Phong 1 tỷ USD vào ngày 19/4/2019.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu có thể áp dụng các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể cắt giảm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương 25 nhà máy.
Ông chủ tư nhân
“Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Lãnh đạo EVN cho biết, đến ngày 30/5 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia và dự kiến trong tháng 6 tiếp tục có thêm 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW. Như vậy, Việt Nam sẽ có gần 5.000MW trong một thời gian ngắn.
Cuộc chạy đua đầu tư dự án điện mặt trời bắt đầu tăng tốc kể từ tháng 4/2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi về thuế và đất đai để khuyến khích phát triển điện mặt trời. Các dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước 30/6/2019 sẽ nhận ưu đãi về giá từ Chính phủ.
Theo cơ chế hiện tại, chỉ các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 mới được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh cho cả thời gian 20 năm, một mức giá được xem là khá hấp dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhờ vào các chính sách ưu đãi, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời tại Việt Nam.
Dữ liệu do EVN công bố tháng 3 vừa rồi cho thấy đã có 141 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch, trong đó có 95 dự án với tổng công suất 6.127 MW đã ký xong hợp đồng mua bán điện. Trong đó, Ninh Thuận là tỉnh tập trung nhiều dự án điện mặt trời nhất với các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện có tổng công suất 1.752 MW, tiếp đến là Bình Thuận 1.186 MW, Tây Ninh 708MW, Phú Yên 505MW và Khánh Hòa 220 MW.
Điện mặt trời đã và đang cho thấy động thái đầu tư mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Tại Ninh Thuận, khu vực được đánh giá là tốt nhất để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Trung Nam đã khánh thành giai đoạn I một tổ hợp năng lượng tái tạo gồm trang trại điện gió (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng) và điện mặt trời (tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng). Trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm. Đây cũng là tổ hợp năng lượng mặt trời đầu tiên của Việt Nam được hòa lưới điện trong năm 2019.
Tập đoàn BIM Group cũng vừa khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MWP tại Ninh Thuận. Cụm 3 nhà máy điện mặt trời được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm, phục vụ 200 nghìn hộ gia đình mỗi năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước cũng đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW). Tập đoàn này có kế hoạch phát triển 20 nhà máy điện mặt trời với quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An... Những tên tuổi đáng chú ý khác như Công ty Xuân Cầu, TTVN Group hay Bamboo Capital… cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực điện mặt trời.
Tiền từ ngân hàng
Các doanh nghiệp tư nhân nhanh nhạy đã đầu tư điện mặt trời từ năm 2016-2017 để hưởng giá bán điện cao của EVN. Ngoài vốn tự có, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng để tiến hành đầu tư. Cùng với cơn sốt điện mặt trời, cuộc chạy đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng cũng diễn ra mạnh mẽ.
Tháng 10/2018, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HD Bank) thông báo triển khai chương trình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, HDBank ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.
Trước đó, một số ngân hàng lớn đã trở thành nhà tài trợ vốn cho các dự án điện mặt trời như Vietinbank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh của Thành Thành Công. Dự án có quy mô 68,8 MW và tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng. Vietcombank cũng ký hợp đồng tín dụng với công ty Đại Hải, chủ đầu tư dự án điện mặt trời Srêpok tại Đắk Lắk. Dự án này có tổng giá trị đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Agribank cũng tham gia tài trợ cho các dự án điện mặt trời với việc cho vay 490 tỷ đồng tại dự án điện mặt trời Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Dự án có công suất 35MW, tổng đầu tư 838 tỷ đồng do Công ty Điện Gia Lai làm chủ đầu tư.
Khi vay, bên cho vay là ngân hàng thường yêu cầu có hợp đồng mua bán điện với EVN trong hồ sơ vay. Hợp đồng mua bán điện mặt trời giữa EVN và các chủ đầu tư dự án bao giờ cũng kèm theo phụ lục. Một trong những phụ lục đó là EVN có quyền từ chối mua tới 90% điện sản xuất ra nếu quá tải.
Điều 7, Chương II dự thảo Bộ Công thương đang lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6/2019 quy định bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép. Điều này cũng không ngoại trừ khả năng EVN có thể từ chối mua điện với lý do vượt quá công suất truyền tải.
Tài chính (Theo Anh Mai/nhadautu.vn)

Có thể bạn quan tâm