TN - Đất & Người

Rừng chảy máu ở Lâm Đồng là do thiếu kiểm lâm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhưng Lâm Đồng luôn trong tình trạng 1 kiểm lâm địa bàn quản lý diện tích rừng gấp nhiều lần định mức theo quy định. Cá biệt có kiểm lâm địa bàn phải quản lý khu vực rộng hơn 10.000ha rừng…
 
 
Ngày 22.4, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có báo cáo đánh giá tổ chức, bộ máy Chi cục Kiểm lâm của Sở NNPTNT Lâm Đồng. 
Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh (giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030) là gần 600.000ha, chiếm gần 61% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 455.867ha, rừng trồng 84.237ha.
Tuy nhiên, do nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng cao và có giá trị lớn (như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông...) dẫn đến tình hình khai thác rừng, phá rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ngày càng nhiều và tinh vi.
 Hiện trường một vụ phá rừng ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Khánh Phúc
Hiện trường một vụ phá rừng ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Khánh Phúc
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng (hiện còn thiếu 50 chỉ tiêu công chức so với chỉ tiêu được phân bổ năm 2022), cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn các xã, phường trong thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. 
Cụ thể, từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng 1 kiểm lâm địa bàn quản lý diện tích rừng gấp nhiều lần định mức nhà nước quy định.
Theo quy định của nhà nước, định mức biên chế bình quân toàn quốc cứ 1.000ha rừng sẽ có 1 biên chế kiểm lâm. Trong khi đó, phần lớn kiểm lâm ở Lâm Đồng đều quản lý địa bàn rộng từ 2 đến 3 lần diện rừng theo quy định. Cá biệt có kiểm lâm quản lý địa bàn rừng ở xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm phải phụ trách diện tích rừng rộng hơn 10.000ha, gấp 10 lần định mức theo quy định.
Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, trong điều kiện biên chế sử dụng thiếu hụt quá nhiều so với quy định, Chi cục Kiểm lâm phải bố trí kiểm lâm vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa kiêm nhiệm địa bàn hoặc một công chức kiểm lâm kiêm nhiệm hai địa bàn. 
Báo cáo cũng nêu việc nhiều tập thể, cá nhân trong lực lượng kiểm lâm bị kiểm điểm, kỷ luật liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp bị phá, khai thác trái pháp luật có một phần nguyên nhân chính đến từ việc thiếu biên chế để bố trí thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương, đặc biệt là các địa bàn thường xuyên xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng. 
Từ những khó khăn đó, Sở NNPTNT đề xuất với UBND tỉnh xem xét không tinh giảm biên chế kiểm lâm, cho phép đơn vị tuyển dụng đủ số công chức thay cho số nghỉ, có phương án hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất trang thiết bị để giúp lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới. 
Đồng thời, Sở cũng kiến nghị cấp thẩm quyền ban hành quy định, tiêu chí cụ thể về định mức biên chế lực lượng kiểm lâm để có cơ sở giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.
Theo Phương Nhiên (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/rung-chay-mau-o-lam-dong-la-do-thieu-kiem-lam-1036717.ldo

Có thể bạn quan tâm