Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng nhưng tình trạng phá rừng ở Lâm Đồng vẫn liên tục diễn ra.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, cho biết đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thống kê, làm rõ số lượng lâm sản và diện tích rừng bị thiệt hại tại Tiểu khu 270 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Có bàn tay xã hội đen
Trước đó, Báo Người Lao Động số ra ngày 5-9 có đăng bài viết "Lâm Đồng: Ồ ạt triệt hạ rừng thông để chiếm đất", phản ánh nhiều cây thông khoảng 20 năm tuổi bị đốn hạ tại tiểu khu trên.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường phá rừng ở Tiểu khu 270 |
Qua kiểm tra bước đầu của cơ quan chức năng, xác định tại lô N- Tiểu khu 270, khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 9 m3, chủng loại thông ba lá, diện tích rừng bị phá là 488 m2. Tại lô B, có 30 cây thông đường kính từ 30-45 cm trên diện tích hơn 700 m2 bị cưa 1/2 gốc, có nguy cơ gãy đổ, ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, tình trạng phá rừng ở thị trấn Nam Ban rất phức tạp. "Bước đầu lực lượng chức năng xác định các đối tượng phá rừng thuộc băng nhóm "xã hội đen" có từ 10-20 người, phá rừng có tổ chức, mục đích là chiếm đoạt đất. Khi bị phát hiện, các đối tượng này đã có hành vi khống chế, đe dọa người dân và lực lượng quản lý bảo vệ rừng" - ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, thông tin.
Ngoài rừng ở Nam Ban hay những cánh rừng ở huyện Đạ Tẻh bị lâm tặc đốn hạ mà Báo Người Lao Động phản ánh thì mới đây, vào tháng 8-2018, lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn cây thông có tuổi đời khoảng 20 năm tại Tiểu khu 216 thuộc lâm phần quản lý của BQLRPH Phi Liêng cũng bị đốn hạ trái phép để chiếm đất. Điều đáng nói là khu vực cây rừng bị đốn hạ chỉ cách trụ sở UBND xã Phi Liêng, huyện Đam Rông và trụ sở BQLRPH Phi Liêng chỉ hơn 1 km. Tại hiện trường vụ phá rừng, nhiều lóng gỗ dài từ 1-4 m, đường kính 20-60 cm cũng bị gom thành đống để đốt, nhiều gốc thông đã bị bứng đi.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng BQLRPH xã Phi Liêng, xác nhận tại Tiểu khu 216 có 459 cây thông 3 lá đường kính từ 20-60 cm bị cưa hạ, 556 cây khác cũng bị đổ hóa chất đang chết khô. Tổng diện tích rừng bị phá trái phép trên 39.800 m2.
Liên quan đến vụ việc này, vừa qua, cơ quan chức năng đình chỉ công tác đối với ông Hoàng Trần Phú Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Phi Liêng. Ngoài ra, Công an huyện Đam Rông tạm giam ông Lê Xuân Tuấn (ngụ xã Phi Liêng) để điều tra việc đã cưa hạ cây và đưa xe cơ giới vào san lấp, múc đất tại khu rừng này.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất, rừng, xây dựng khi để xảy ra sai phạm, vi phạm tại địa bàn và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-10.
Mất rừng khi giao cho doanh nghiệp
Giao rừng cho doanh nghiệp thực hiện dự án là chủ trương được tỉnh Lâm Đồng triển khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng, cũng dựa vào chủ trương này, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận dự án đã để mất rừng, mất đất và không chịu nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục tài nguyên rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, toàn tỉnh có 386 dự án được giao đất, thuê đất, thuê rừng để triển khai đầu tư du lịch sinh thái, nông lâm kết hợp, trồng rừng, trồng cao su… với tổng diện tích hơn 57.200 ha. Tuy nhiên, đến nay đã phải thu hồi 189 dự án với tổng diện tích hơn 28.200 ha (trong đó, thu hồi toàn bộ 157 dự án với diện tích hơn 25.300 ha; thu hồi một phần đối với 32 dự án, diện tích hơn 2.800 ha) vì không hiệu quả hoặc để rừng bị phá.
Đơn cử như dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc của Công ty CP Nam Nam, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép với tổng diện tích hơn 120 ha tại Tiểu khu 442 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm). Hơn 6 năm kể từ khi nhận dự án, đơn vị này không triển khai gì, trái lại để mất 43,5 ha rừng và đất lâm nghiệp. Phần diện tích bị lấn chiếm thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải thu hồi toàn bộ dự án, yêu cầu bồi thường hơn 9,9 tỉ đồng.
Cũng tại huyện Bảo Lâm, Công ty TNHH An Nguyễn được giao hơn 162 ha đất lâm nghiệp để thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Sau khi nhận giao rừng vào năm 2011, đơn vị này đã không thực hiện đúng cam kết, không triển khai dự án mà chỉ tận dụng khai thác lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Đến năm 2017, khi bị thu hồi dự án, đơn vị này đã để mất hơn 31 ha.
Ngoài ra, Công ty TNHH SX-TM-XNK Hoàng Thịnh (huyện Ðạ Tẻh) cũng để mất gần 111 ha rừng và đất lâm nghiệp nên bị yêu cầu bồi thường gần 70 tỉ đồng; Công ty TNHH Vĩnh Tuyên Lâm (huyện Ðức Trọng) làm mất 49 ha, bị buộc bồi thường gần 23 tỉ đồng; Công ty TNHH TN DV XNK Võ Hà Lê (huyện Lạc Dương) làm mất hơn 44 ha, bị yêu cầu bồi thường hơn 20,7 tỉ đồng; Công ty TNHH Ngọc Mai Trang (Lạc Dương) mất hơn 21 ha nên phải bồi thường hơn 12,4 tỉ đồng, Công ty TNHH An Nguyễn mất hơn 31 ha, bị yêu cầu bồi thường gần 12 tỉ đồng...
Chây ì bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Ðồng, cho biết trong số các dự án bị thu hồi, có tới 84 dự án bị thu hồi vì để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép với tổng diện tích lên đến 1.157 ha mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn. Tỉnh Lâm Ðồng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với tổng số tiền lên đến hơn 219 tỉ đồng. Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp đều chậm thực hiện việc bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định. Đến nay, chỉ mới thu hồi được khoảng 10% trong số tiền hơn 219 tỉ đồng nói trên. |
Đình Thi (NLĐO)