TN - Đất & Người

Rút kiệt sông rồi đổ lỗi cho nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng sông Đắk Snghé (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cùng lúc bị 2 thủy điện chặn dòng dẫn đến hàng trăm hecta hoa màu chết khô
Ngày 23-3, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp làm thủy điện khảo sát tình hình thiếu nước của người dân huyện Kon Rẫy do thủy điện chặn dòng chảy của sông.
Hàng trăm hecta cây trồng thiếu nước, chết
Từ cuối tháng 2, lượng nước đổ về dòng sông Đắk Snghé giảm hẳn khi thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh là chủ đầu tư) tích nước tạm để nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và thử nghiệm thiết bị.
Chưa hết, từ thủy điện Thượng Kon Tum về phía hạ lưu khoảng 31 km, thủy điện Đắk Ne (Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh làm chủ đầu tư) tiếp tục chặn dòng, chỉ trả nước về hạ du 2 lần/ngày, mỗi lần 1 giờ.
Bị đến 2 thủy điện chặn dòng, con sông Đắk Snghé cạn kiệt. Thiếu nước tưới, hàng trăm hecta cây trồng đang trong thời gian sinh trưởng, tạo quả của người dân huyện Kon Rẫy khô héo, chết dần.
Khi đoàn công tác đến đập thủy lợi Đắk Snghé (thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), rất nhiều người dân đã có mặt phản ánh bức xúc.
 
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum và đoàn công tác khảo sát tình trạng cây trồng thiếu nước tưới do sông bị thủy điện chặn dòng. Ảnh: Hoàng Thanh
Bà Doãn Thị Nhâm cho biết nhà bà có 1,3 ha trồng lúa. Cách đây khoảng 1 tháng, sông Đắk Snghé bỗng khô cạn, không còn nước tưới khiến 1 ha lúa đã chết sạch, diện tích còn lại đang héo úa, chờ chết.
Còn theo bà Trần Thị Ngoan, gia đình bà có 2,5 ha cà phê cũng đang trong tình trạng rũ lá chờ chết. "Vừa kéo ống tưới cà phê được khoảng 1 tiếng là hết nước. Nhiều hôm đang tưới mà hết nước con tôi bực quá đòi chặt cà phê đi nhưng tôi phải cản lại" - bà Ngoan than thở.
Thời điểm đoàn công tác có mặt tại đập thủy lợi để kiểm tra thì dòng sông Đắk Snghé cũng cạn dòng nhưng lượng nước đổ về mương thủy lợi vẫn có. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết mọi hôm, mương thủy lợi cũng trơ đáy.
Ông Nguyễn Văn Nam (thôn trưởng thôn 3) cho rằng nếu không có giải pháp kịp thời bảo đảm nước tưới thì chắc chắn hàng trăm hecta lúa, cà phê sẽ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết để cứu cây trồng, UBND huyện đã huy động hàng trăm người dân đắp bao tải cát chặn, dẫn dòng vào cửa lấy nước của mương thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước tưới. Nhưng theo phản ánh của người dân, giải pháp này là "không ăn thua".
Theo thống kê của UBND xã Tân Lập, có 108,7 ha cây trồng gồm 92 ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5 ha hồ tiêu, 2 ha lúa héo úa và một số diện tích đã chết do thiếu nước tưới. Trong tương lai, nếu sông tiếp tục bị chặn dòng, người dân lo ngại sẽ thiếu cả nước sinh hoạt.
Thủy điện đổ lỗi cho nhau
Ông Nguyễn Văn Quân, Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, nói trước khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước thì lượng nước đổ về hồ chứa từ 8-10 m3/giây. Tuy nhiên hiện nay, lượng nước đổ về chỉ khoảng 0.75 m3/giây, bằng 1/10 so với trước đây, chỉ đủ "bốc hơi" nên thủy điện Đắk Ne phải tích nước và xả 2 lần. Thời gian tới, thủy điện sẽ tích nước vào ban đêm và xả nước vào ban ngày để đủ nước tưới cho bà con từ 8 giờ đến 17 giờ.
Trong khi đó, theo ông Lê Thanh, Phó Ban quản lý dự án Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, dự tính việc tích nước của công trình sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày. Chủ đầu tư đã tính toán việc tích nước vào mùa khô là để ổn định và an toàn cho hồ đập. Nếu tích nước vào mùa mưa, nước dâng lên quá nhanh, đập không ổn định sẽ mất an toàn. Sau khi tích đến mực nước chết thì mới có nước theo ống xả trả về hạ du với lưu lượng 5,8 m3/giây.
"Khi tiến hành tích nước, chúng tôi đã tính toán dòng chảy sau đập về phía hạ du 2,5 m3/giây bảo đảm phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, thủy điện Đắk Ne lại chặn dòng phát điện với lưu lượng 2 lần/ngày nên mới xảy ra tình trạng thiếu nước tưới của người dân" - ông Thanh nói.
Sau khi khảo sát, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công Thương và các bên liên quan đã thống nhất vào hôm nay (24-3) sẽ họp bàn để tìm giải pháp khắc phục.
Đền bù cho dân
Trong buổi khảo sát, nhiều người dân yêu cầu được đền bù thỏa đáng cho những diện tích cây trồng bị giảm năng suất hay chết do khô hạn.
Ông Nguyễn Văn Quân thừa nhận do thủy điện Thượng Kon Tum tích nước dẫn đến cây trồng của người dân thiếu nước tưới nên đơn vị này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Còn ông Lê Thanh thì cho rằng đơn vị có một phần trách nhiệm và sẽ phối hợp với thủy điện Đắk Ne để tính toán, bồi thường cho người dân.
Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm