Tình trạng sa mạc hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng đến mức báo động. Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này. Quá trình sa mạc hóa tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế-xã hội, cuộc sống của người dân.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Tình trạng sa mạc hóa diễn ra ngày càng nhanh là hậu quả của việc phá rừng, canh tác thiếu bền vững, thiếu quy hoạch kéo dài trong suốt thời gian qua. Vào mùa khô mực nước sông ở khu vực này rất thấp, thậm chí nhiều sông suối khô kiệt trở thành những “dòng sông chết”, khô hạn xảy ra thường xuyên dẫn đến nguồn nước suy giảm. Tình trạng suy thoái và ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống con người.
Dự án trồng rừng trên diện tích đất hoang hóa bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Ảnh: Anh Khoa |
Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường sống ngày càng xấu đi. Sản xuất trên diện tích đất thoái hóa cây trồng khó phát triển, chi phí đầu tư cao tác động và gây thiệt hại trực tiếp đến nông dân. Phần lớn những người sống gần rừng có cuộc sống thiếu thốn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phương thức canh tác lạc hậu nên đất đai dễ bị bạc màu, thoái hóa. Do đời sống của người dân còn nghèo khó, vì mưu sinh nên họ bất chấp lén lút phá rừng làm nương rẫy. Sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ ở nhiều vùng, việc di dân khó kiểm soát, mất rừng làm cho sa mạc hóa, hoang mạc hóa ngày càng nhanh đe dọa sự phát triển bền vững.
Giải pháp đẩy lùi sa mạc hóa
Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về phòng- chống sa mạc hóa nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất là trồng rừng khôi phục lại diện tích bị tàn phá. Chương trình mục tiêu quốc gia hành động chống sa mạc hóa được chính thức ban hành từ năm 2006. Mục tiêu thiết thực của Chính phủ là đến năm 2010 trồng đạt 5 triệu ha rừng trên phạm vi cả nước, nâng độ che phủ của rừng trên 45%.
Tại Gia Lai, sau 2 năm triển khai, dự án trồng rừng từ nguồn vốn Chính phủ vay Ngân hàng châu Á tại 2 xã Ia Tul và Ia Kdăm (huyện Ia Pa) đã phủ xanh hàng trăm ha đất trống, đồi trọc. Hầu hết diện tích đất trồng rừng tại đây là đất hoang hóa, bạc màu ven các cánh rừng, đồi không thể sản xuất nông nghiệp được.
Mục tiêu đến năm 2020 của nước ta là khắc phục được về cơ bản các nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra sa mạc hóa, hình thành được các giải pháp đề phòng, hạn chế quá trình sa mạc hóa do các nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên gây ra, phục hồi tối đa các vùng đất đã bị sa mạc hóa trước đây, hoàn thành vững chắc nhiệm vụ định canh định cư ở các vùng đất đã được phục hóa bằng việc đổi mới phương thức sử dụng đất, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo bảo đảm sự phát triển kinh tế- xã hội của các vùng bị ảnh hưởng.
Giải pháp chính để thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa đến năm 2020 là nâng cao nhận thức về chống sa mạc hóa. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chống sa mạc hóa để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao trong lĩnh vực này. Huy động nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế.
Thực tế cho thấy việc thực hiện mục tiêu này mất khá nhiều thời gian, công sức và gặp không ít khó khăn. Nhận thức của người dân chưa cao, chính sách ưu đãi của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế… Vì vậy, chương trình chống sa mạc hóa rất cần sự chung sức của cả cộng đồng.
Anh Khoa