Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn một số điểm bất cập. Tuy nhiên, những điểm này lại chưa được các cơ quan chức năng xem xét xử lý thấu đáo.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng trước đây làm việc tại một đơn vị thuộc Bưu điện thành phố Hà Nội. Vào tháng 6, vì lý do gia đình nên anh Hùng xin nghỉ việc. Sau khi xong thủ tục chấm dứt hợp đồng Lao động (HĐLĐ) và chốt sổ BHXH, anh Hùng đến Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)- Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Số 285 phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy) để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi rà soát hồ sơ, nhân viên tại trung tâm này cho biết, anh Hùng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, do không đóng đủ BHTNđến thời điểm nghỉ việc.
Cẩn trọng hồ sơ
Anh Hùng cho rằng, mình đã đóng đầy đủ BHXH, BHTNtrước khi nghỉ việc. Theo thông tin trong sổ BHXH (đã được BHXH TP Hà Nội chốt), anh Hùng đã đóng BHTN và thời gian chưa hưởng là tám năm, đóng BHXH được 14 năm 4 tháng. "Khi nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động cũng ra quyết định đầy đủ, kịp thời. Vậy mà giờ lại không được hưởng trợ cấp là vô lý…", anh Hùng bức xúc cho biết.
Qua rà soát hồ sơ và trao đổi kỹ, chúng tôi được biết, anh Hùng làm việc đến hết tháng 6-2018, nhưng do thời điểm tháng 6, xin nghỉ việc hơn 10 ngày lo việc gia đình nên phía Bưu điện không tính đóng BHTN cho tháng này. Quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Hùng cũng đề ngày 29-5 và chỉ tính đóng BH thất nghiệp đến hết tháng 5-2018. Như vậy, dù đóng BHTN đến tám năm và đang thất nghiệp nhưng chỉ vì một chút rắc rối liên quan đến "1 tháng" cuối cùng mà anh Hùng có nguy cơ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đại diện phòng BHTN (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho rằng, qua rà soát hồ sơ và chiếu theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn là Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp của anh Hùng không đóng đủ BH thất nghiệp đến "tháng liền kề" trước khi nghỉ việc nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp.
Chúng tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Người thì thiếu một tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc, người đóng thiếu vài ba tháng vì công ty khó khăn; thậm chí có người bị đóng thiếu cả năm vì công ty giải thể, chủ mất tích…
Nhiều lao động thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP về BHTNvới rất nhiều điểm mới, ưu việt hơn cho người lao động như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng; cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và trao cho người lao động cùng với thời điểm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay, đó là nhiều người lao động thất nghiệp thật sự nhưng lại không được hưởng trợ cấp. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm xử lý sớm. Cũng theo luật sư Hằng Nga, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thông thoáng hơn cho đối tượng này được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi họ mới là đối tượng thất nghiệp đúng nghĩa nhất. "Về quy định pháp luật liên quan, Luật Việc làm cũng không hề đặt ra yêu cầu về "tháng liền kề" mà nó được quy định ở văn bản hướng dẫn là Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Nếu luật không quy định thì cũng không nên đặt ra để làm khó người lao động", luật sư Hằng Nga nói.
Luật sư Nga cũng phân tích thêm, ở chiều hướng ngược lại, các quy định pháp luật và quy trình thực hiện như hiện nay dường như đang tạo kẽ hở cho những đối tượng không thất nghiệp được nhận trợ cấp… thất nghiệp một cách dễ dàng. Thực tế cho thấy, nhiều NLĐ có đầy đủ quyết định cho thôi việc của doanh nghiệp, sổ BHXH, mốc xác định thời gian đóng BH thất nghiệp đến tháng cuối cùng - "tháng liền kề"; song đều là những người chủ động nghỉ việc - thực chất là "nhảy việc". Vì vậy, họ mới có bộ "hồ sơ đẹp" để đi đăng ký thất nghiệp và đương nhiên những hồ sơ này nhanh chóng được duyệt. Còn những người, vì những lý do khách quan, có khi lại thuộc diện "không đủ điều kiện"…
Văn Hải (Báo Thời Nay/NLĐO)