Bạn đọc

Sai phạm trong làm đường giao thông ở xã An Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 20-3, ông Nguyễn Hữu Tài-Chủ tịch UBND xã An Phú (TP. Pleiku) cho biết: Kết luận nội dung tố cáo số 1761 ngày 28-12-2016, do ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku ký là đúng. Thực hiện những yêu cầu trong kết luận này, UBND xã An Phú đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp phần kinh phí còn lại chưa thu được để trả nợ theo hợp đồng đã ký kết, làm việc với bên thi công để tiến tới sửa chữa lại các phần đường bị hư hỏng, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, sau đó mới tổ chức họp xem xét xử lý trách nhiệm của những cá nhân có sai phạm.
 

Đường bê tông ở thôn 9, xã An Phú, TP. Pleiku bị hư hỏng. Ảnh: H.C
Đường bê tông ở thôn 9, xã An Phú, TP. Pleiku bị hư hỏng. Ảnh: H.C

Theo Kết luận nội dung tố cáo số 1761, trên cơ sở Quyết định 395/QĐ-UBND ngày 15-3-2013 của UBND TP. Pleiku về việc phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để làm đường giao thông nông thôn, UBND xã An Phú đã xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho thôn 9 làm 456 mét đường bê tông, dày 16 cm và rộng 3 mét. Quy chuẩn đường bê tông xi măng đạt loại B1 theo Quyết định số 24/QĐ-SGTVT ngày 18-3-2004 của Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải. Tổng kinh phí xây dựng là hơn 299 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 166 triệu đồng và Nhà nước hỗ trợ hơn 132 triệu đồng. Thế nhưng, ngày 27-7-2013, UBND xã An Phú đã ký kết hợp đồng số 04 với ông Trần Trọng Nghĩa (ở tổ dân phố 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku) thi công lên tới hơn 339 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 206 triệu đồng. Ủy ban nhân dân xã An Phú đã thanh toán cho ông Nghĩa hơn 228 triệu đồng, trong đó tiền Nhà nước hỗ trợ là hơn 132 triệu đồng và nhân dân đóng góp hơn 96 triệu đồng.

Ngày 31-8-2013, Hội đồng quân dân chính thôn 9, Ban giám sát làm đường thôn 9, xã An Phú đã họp và thống nhất đề nghị UBND xã nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng trên 70%. Đến nay, mặt đường đã hình thành rất nhiều ổ gà, gây khó khăn đối với những người tham gia giao thông.

Xác minh qua các tài liệu, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tổ xác minh của TP. Pleiku đã kết luận: UBND xã An Phú không nộp số tiền nhân dân đóng góp vào tài khoản tiền gửi vốn đầu tư mở tại Phòng Giao dịch Kho bạc Nhà nước; không tiến hành ghi thu, ghi chi vào ngân sách theo quy định; công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng UBND xã vẫn chưa thực hiện công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành là sai so với quy định tại Thông tư 28 ngày 24-2-2012 của Bộ Tài chính về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã; công trình không có hồ sơ hoàn công, hồ sơ chất lượng không đầy đủ, nhật ký thi công sơ sài, không có kết quả kiểm tra, thí nghiệm vật tư đầu vào như xi măng, đá, cường độ bê tông mặt đường trước khi tổ chức nghiệm thu... Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm nêu trên thuộc về ông Nguyễn Hữu Tài-Chủ tịch UBND xã, ông Trần Thanh Xuân-công chức Tài chính-Kế toán xã và ông Đỗ Văn Bình-công chức Địa chính-Xây dựng xã An Phú.

“Những sai phạm đang hiện hữu ở giữa thôn 9 và đã được cơ quan chức năng kết luận. Thế mà qua nhiều tháng nay, tuyến đường hư hỏng vẫn chưa được sửa chữa, các cán bộ sai phạm vẫn chưa bị xử lý khiến người dân thôn 9 rất bức xúc. Bà con thôn 9 không chịu đóng góp hơn 70 triệu đồng còn lại để thanh toán cho nhà thầu. Bà con yêu cầu những cá nhân có liên quan và nhà thầu thi công công trình này phải có trách nhiệm làm lại tuyến đường đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế như hợp đồng ký kết”-ông Nguyễn Văn Sửu-Trưởng thôn 9, xã An Phú cho biết.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm