Du lịch

Hành trang lữ hành

“Săn mây” trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Săn mây” là cụm từ khá quen thuộc, thậm chí trở thành xu hướng tìm kiếm hiện nay, bởi những tấm ảnh chụp cùng sương mờ giăng giăng lãng đãng núi đồi thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Những địa điểm “săn mây” được nhiều người tìm đến là vùng núi phía Tây Bắc, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và gần đây là Gia Lai. Với địa hình cao nguyên, không khí khô và lạnh, những mùa mây giăng núi bồng bềnh trong nắng sớm đã thu hút một lượng lớn du khách yêu thích tìm về.

Và khi được tận mắt nhìn ngắm, chụp những bức ảnh đẹp với một biển mây mênh mông thì ai nấy đều trở nên phấn khích, muốn chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt này với bạn bè.

san-maydd-8129.jpg
Nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đỉnh Chư Hreng là một trong những điểm săn mây đẹp nhất ở Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Bi Ly

Nếu có một lần được nhìn ngắm biển mây trắng lững lờ bay lên từ dưới thung lũng, bám quanh cây cối, núi đồi thì có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ ngơ ngẩn và khắc ghi trong lòng những khoảnh khắc hiếm có đó. Tìm hiểu thêm thì tôi biết, biển mây này là hiện tượng đặc biệt do sương mù tạo nên. Thường thì khi hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất sẽ tạo thành sương mù. Sương mù sẽ làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Thông thường, sương mù màu trắng nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám.

2sanmay-5342.jpg
Ở Gia Lai và Kon Tum ngày càng có nhiều điểm săn mây được các bạn trẻ khám phá, giới thiệu rộng rãi trên các diễn đàn du lịch cả nước. Ảnh: Minh Lê

Sương mù vốn không phải là điều xa lạ với những người lao động thường xuyên phải thức khuya dậy sớm. Cha mẹ tôi là những người như thế. Cuộc sống vất vả, những ngày mới của cha mẹ tôi bắt đầu khi màn đêm vẫn còn màu tối, ánh đèn xe vàng vọt phải cố xuyên qua lớp sương mù dày đặc để mưu sinh.

Những giọt sương đọng thành giọt, thành giọt trên áo và cả hơi thở phả ra không khí cũng có thể trở thành đám khói lạnh. Nếu có thời gian nhìn lại, có lẽ họ cũng chẳng thể nhớ mình đã từng chạm vào mây bao nhiêu lần trong đời.

Và có lẽ, còn bao nhiêu phận người khác nữa, quanh năm “một nắng hai sương” chăm lo cho gia đình đủ đầy, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Với tôi, cũng có những mùa sương đã trôi qua mà dường như quên mất. Để khi nhìn thấy bạn bè khoe những bức ảnh “săn mây”, tôi lại trầm trồ, lại mơ có ngày được đắm chìm vào một biển mây như vậy.

Cậu bạn khi nghe cái kế hoạch muốn đi “săn mây” ở Đà Lạt của tôi thì bảo rằng: Cần gì đi xa cho tốn công, chỉ cần lang thang ở Gia Lai mình, Pleiku mình là đủ. Rồi bạn thuyết phục tôi rằng: Hiện nay, Gia Lai đã dần khôi phục lại khí hậu khô lạnh của cao nguyên. Những rừng thông phân bố quanh thành phố, rồi những sớm mờ sương, những ngày mưa rắc đang dần khiến Gia Lai trở thành điểm “du lịch ngủ” nổi tiếng.

Và “săn mây”, cái đặc sản tưởng chừng phải đi xa mới có thì hiện nay, các bạn trẻ đã có địa điểm “săn mây”. Những đỉnh núi như Chư Nâm hay dễ dàng hơn đó là những quán cà phê ngay trong lòng phố núi như: Ngày bình yên, Phía sau nhà... là những điểm “săn mây” lý tưởng. Các quán cà phê này đều có địa hình cao, nhìn xuống cánh đồng như một thung lũng vào những sáng sớm thời tiết thuận lợi, sương mù quấn quyện như một thung mây.

Không chỉ là dậy sớm để “săn mây”, để tìm cho mình những bức hình đẹp, những người trẻ đang học cách sống chậm khi thư giãn bên ly cà phê sớm và nhận ra vẻ đẹp của ngày.

Có thể bạn quan tâm