(GLO)- Thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Trước thực tế đó, ngành chức năng và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khó phát triển thị trường
Chị Hồ Thị Mai Nhung (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) là chủ của một cơ sở rang sấy và ép dầu sachi. Chị chia sẻ: “Theo nghiên cứu khoa học, hạt sachi có nhiều dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng trên thế giới rất ưa chuộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sản phẩm này còn khá mới mẻ, chưa tiếp cận được đông đảo khách hàng”. Chính vì lý do đó nên sản phẩm hạt sachi rang sấy và dầu sachi do cơ sở của chị sản xuất tiêu thụ khá chậm. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị chỉ xuất bán được khoảng 1 tạ hạt sachi rang sấy và hơn chục lít dầu sachi. Số sản phẩm này chủ yếu bán online, còn việc thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại hay nhà phân phối thì chưa thực hiện được. Phần nữa, do là cơ sở nhỏ nên công tác marketing cũng gặp nhiều khó khăn, nói đúng hơn là không có đủ kinh phí để làm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: V.T |
Đi vào hoạt động đã được 2 năm, cơ sở sản xuất tiêu sấy hồng ngoại Trần Sơn (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) do anh Trần Quang Sơn làm chủ vẫn gặp khó khăn khi các sản phẩm tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh, tiêu ngũ sắc chưa tìm được kênh phân phối hiện đại mà chủ yếu mới tiếp cận được thị trường nhỏ lẻ là cửa hàng, chợ, sân bay, bến xe. Do đó, sản lượng tiêu thụ chưa đạt cao. Hiện sản phẩm hồ tiêu sạch của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp huyện. Để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của cơ sở, ngoài củng cố về chất lượng, xây dựng giá bán hợp lý, anh Sơn đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ các hộ sản xuất mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã ở tỉnh ta cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngay cả việc đưa sản phẩm vươn ra khỏi thị trường địa phương cũng đã khó, chưa nói đến phát triển ra thị trường cả nước. Ông Nguyễn Đình Thanh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sami Gia Lai (huyện Chư Sê), doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: tinh bột nghệ, hạt mắc ca, trà khổ qua rừng... cho biết: “Chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm và xây dựng kênh phân phối ổn định, lâu dài. Bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều sự cạnh tranh, để một sản phẩm mang đặc trưng của địa phương được người tiêu dùng trong cả nước biết đến thì công tác thông tin, dự báo, tìm kiếm thị trường là vô cùng quan trọng”.
Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp đi vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều. Đây cũng là lĩnh vực đang được tỉnh khuyến khích. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp rất nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, song kết quả vẫn còn hạn chế khi nhiều sản phẩm gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ. Số sản phẩm đặc trưng của địa phương được đăng ký bảo hộ và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý còn ít nên khó tiếp cận được các đối tác như siêu thị hay nhà phân phối lớn.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: V.T |
Cũng theo ông Tuấn, các sản phẩm đặc trưng có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, không ít sản phẩm có sức cạnh tranh thấp do chưa được chú trọng nâng cao chất lượng; việc thiết kế mẫu mã, nhãn mác còn thiếu tính thu hút. Bên cạnh đó, vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên nguồn hàng còn thiếu tính ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp cho các nhà phân phối lớn.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), hàng năm, từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, đơn vị đã tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm mục đích đẩy mạnh kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua các lần tham gia, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với các đối tác.
“Mới đây, việc đưa sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn đi vào hoạt động là cơ hội mở rộng giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Sàn thương mại điện tử này sẽ giúp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh ta mở rộng thị trường qua kênh bán hàng online hiện đại, chuyên nghiệp mà không tốn bất kỳ chi phí nào nhưng hiệu quả lại cao”-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho hay.
VŨ THẢO