(GLO)- Từ đầu tháng 9-2018 đến nay, vào các buổi chiều, sân Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ (Gia Lai) lại rộn ràng, sôi động hẳn lên bởi tiếng cồng, tiếng chiêng. Đó là không khí của một lớp học đặc biệt do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ phối hợp với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện tổ chức. Lớp học nhằm giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nghệ nhân Đinh Du đang hướng dẫn cách đánh chiêng cho các em học sinh. Ảnh: P.L |
Theo chia sẻ của thầy Lê Thanh Minh-giáo viên dạy Nhạc, quản lý lớp học cồng chiêng: Trường có 150 học sinh, trong đó có 130 học sinh là người dân tộc Bahnar; hầu hết các em đều đã quen với cồng chiêng từ bé, nhưng không có điều kiện tập luyện. Sau khi nhà trường triển khai cho học sinh đăng ký học cồng chiêng trên tinh thần tự nguyện, có 47 em đã tham gia. Điểm thuận lợi là nhà trường đã có sẵn một bộ cồng chiêng để phục vụ việc học tập của các em.
Bà H'Duyên-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ: “Lớp truyền dạy cồng chiêng được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện. Đây là lớp cồng chiêng đầu tiên được tổ chức trong trường học (từ tháng 9 đến hết tháng 12-2018). So với việc truyền dạy cồng chiêng ở làng, việc mở lớp ở trường học sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì các em có thể tập trung học và tập luyện thường xuyên, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc Bahnar”. |
Những người trực tiếp giảng dạy tại lớp học là nghệ nhân Đinh Du (làng HVen, thị trấn Đak Pơ) và Đinh Hnôi (làng Len Tô, thị trấn Đak Pơ), những người rất am hiểu về cồng chiêng. 47 học sinh được chia thành 2 lớp, thầy Đinh Du dạy thứ hai và thứ tư, thầy Đinh Hnôi dạy thứ ba và thứ sáu, mỗi buổi học cồng chiêng diễn ra từ 17 giờ đến 19 giờ. Các em được các nghệ nhân giảng dạy từ những kỹ thuật cơ bản nhất trong biểu diễn cồng chiêng như: cách cầm chiêng đúng, cách gõ sao cho đúng nhịp, cách di chuyển chân nhịp nhàng với từng điệu chiêng… đến cách đánh sao cho hòa nhịp với cả đội.
Chăm chú lắng nghe từng nhịp chiêng của học trò, khi phát hiện em nào đánh lạc nhịp, nghệ nhân Đinh Du lại ân cần chỉnh sửa cho đúng. Ông vui vẻ cho biết: “Mặc dù các cháu đã từng tiếp xúc với cồng chiêng ở làng nhưng chưa từng được tập luyện. Vì học đánh chiêng rất khó nên các cháu phải được hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản nhất, chỉ dạy những bài chiêng truyền thống thường được sử dụng trong lễ hội của làng. Mình rất vinh dự vì được truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc cho các em học sinh. Càng vui vì hơn 2 tháng qua các em chưa bỏ một buổi học nào”.
Là một trong những học sinh tiến bộ khá nhanh, em Đinh Niêm (lớp 9) vui vẻ cho biết: “Làng Kuk Kôn (xã An Thành-P.V) của em cũng có rất nhiều người biết đánh cồng chiêng, nhìn mọi người biểu diễn em nghĩ chắc dễ lắm, nhưng khi học rồi mới thấy khó, phải đánh sao để cùng hòa nhịp với cả đội. Nhờ thầy hướng dẫn tận tình nên em đã đánh thành thạo các bài chiêng như: Mừng lúa mới, Tích làng xưa”.
Còn em Đinh Văn Duy (lớp 7) thì cho rằng: “Em rất vui khi được tham gia học cồng chiêng cùng với mọi người. Từ lúc học đến nay, em chưa nghỉ một buổi học nào. Em đánh cồng chiêng chưa giỏi nhưng sẽ cố gắng học để được biểu diễn cùng mọi người tại các lễ hội của làng”.
Nhận thấy lớp trẻ vẫn còn đam mê và gắn bó với cồng chiêng nên nghệ nhân Đinh Du và Đinh Hnôi dù đã lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn đều đặn đến trường để truyền dạy. Dù thời gian học chưa nhiều, những bài chiêng chưa được thực hành một cách nhuần nhuyễn song những giờ học này đã giúp các em hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là hoạt động bổ ích, khích lệ tinh thần các em sau những giờ học căng thẳng.
Phan Lài