Vào mỗi mùa mưa, hàng ngàn người Xơ Đăng lặn lội lên núi hái trái ngũ vị tử về bán và sơ chế để ngày tết mỗi nhà thường có bình rượu quý, trà quý ngũ vị tử mời khách tân niên.
Ngũ vị tử chín đỏ mọng trên núi Ngọc Linh |
Núi Ngọc Linh, nóc nhà của Tây Nguyên, thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, có độ cao 2.500m so với mực nước biển và khí hậu lạnh. Những cây ngũ vị tử hàng chục năm tuổi lẩn khuất trong rừng già ở độ cao 1.200-1.500m, thường cho trái từ tháng 8 đến tháng 10. Trái ngũ vị tử to bằng ngón tay út, lúc chín có màu đỏ. Với đồng bào Xơ Đăng nơi đây, ngũ vị tử là trái quý do thiên nhiên ban tặng, có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe.
Ông A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông), nhẩm tính, xã có 6/12 thôn có cây ngũ vị tử. Trái này gắn bó với người Xơ Đăng hàng chục năm qua, là trái bổ sung năng lượng cho người dân khi đi rừng. Khoảng 10 năm trở lại đây, ý thức được giá trị của loại trái này, thương lái khắp nơi đến địa phương thu mua và người dân cất trữ để làm rượu, phơi sấy làm trà, lên men làm nước uống. Trái ngũ vị tử chín vào mùa mưa nên thu hái rất khó khăn. Tuy nhiên, người dân không muốn bỏ lỡ sản vật quý, sẵn sàng đội mưa vào rừng hái về. Như gia đình ông, cứ cuối tuần, vợ chồng dắt nhau vào rừng “săn” ngũ vị tử, vừa bán, vừa sơ chế để dành đến ngày tết mời khách.
“Người đồng bào Xơ Đăng mình trân quý ngũ vị tử vì nó hiếm và tốt. Thực tế khi sử dụng, mình thấy ngũ vị tử có tác dụng giảm ho, cân bằng đường huyết, giải độc cơ thể, tốt cho dạ dày, tiêu hóa. Các già làng vào mỗi dịp tết lại đem chiêu đãi nhau, chúc nhau thật nhiều sức khỏe. Năm nay, mình cũng dùng rượu, trà ngũ vị tử để chiêu đãi các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, mong tất cả dồi dào sức khỏe, cùng nhau đóng góp cho việc xây dựng quê hương, đất nước”, ông A Dũng chia sẻ.
Ngược về xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), trong căn nhà của mình, anh A Thiên (thôn Đắk Xia, xã Ngọc Lây) khoe năm nay cả nhà “săn” được hơn 1 tạ ngũ vị tử. Trái được thu hái trên rừng già, cách nhà 10km. Sáng sớm, anh mang cơm, nước vào rừng, trèo lên cây hái, chiều đóng gùi mang về.
Số trái trên, anh bán 1 tạ với giá 20.000 đồng/kg, tăng thu nhập, còn lại ngâm 1 bình rượu để dành. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, đến mùa, có khoảng 300 hộ dân đi thu hái ngũ vị tử về bán cho doanh nghiệp. Các thương lái còn ứng tiền vì loại trái này luôn “cháy” hàng. Mỗi năm, ước tính người dân thu được 10-20 tấn.
“Trên địa bàn, diện tích rừng có ngũ vị tử khoảng 30ha. Xác định đây là dược liệu quý, huyện đã lấy mẫu xét nghiệm dược tính để kêu gọi các đơn vị vào địa bàn sản xuất các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Hiện huyện có chủ trương khoanh nuôi, phát triển cũng như xây dựng ngũ vị tử thành sản phẩm đặc trưng của địa phương”, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, hồ hởi cho biết.