Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Sang và sến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mấy ngày qua, dư luận đang chia ra 2 “phe” tranh cãi nảy lửa về 2 dòng nhạc trữ tình tạm gọi là nhạc “sang” và nhạc “sến”. Và dường như, cuộc tranh cãi chẳng thể đi đến hồi kết, thậm chí người ta còn chuyển sang lăng mạ lẫn nhau.

Sau năm 1975, nhạc bolero-một điệu nhạc của Mỹ La-tinh du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước và phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam từ đó đến nay, thường được gọi là nhạc “sến”-im tiếng mất hơn 20 năm, sau đó mới dần tìm lại chỗ đứng. Khoảng dăm ba năm trở lại đây, khi người miền Bắc biết đến dòng nhạc này, bolero bắt đầu tạo nên cơn sốt. Và các nhà sản xuất chương trình không thể đứng ngoài trào lưu. Mở kênh nào trên truyền hình cũng gặp bolero. Nhà nhà xem bolero, người người thi hát bolero. Rõ ràng, giá trị cũ lên ngôi cho thấy cái mới chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả.

 

Từ trái sang: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: K.N.B
Từ trái sang: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: K.N.B

Những ngày gần đây, sau một phát biểu của ca sĩ Tùng Dương về bolero (mà báo mạng rất biết cách “câu view” nên chỉ trích đăng đúng 1 câu gây “bão”), các anh hùng bàn phím chỉ đọc tít thôi đã giận dữ đùng đùng. Người hâm mộ của 2 dòng nhạc không những ném đá vào nhau mà còn bới móc từng “khuyết điểm” của ca sĩ đại diện 2 dòng nhạc này-tức những thứ không liên quan đến âm nhạc như Tùng Dương chỉ giỏi uốn éo, Đàm Vĩnh Hưng ngông cuồng, bất kính-để chỉ trích, lăng mạ với những ý kiến rất cực đoan, nặng nề. Bên “thủ cựu, bài tân”, bên “đả cựu, nghinh tân”.

Công bằng mà nói, nhạc “sến” và nhạc “sang” đều là nhạc trữ tình. Nếu bolero có giai điệu đều, chậm, lời ca dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người theo kiểu kể chuyện, tự sự, gần gũi quảng đại quần chúng với những nhạc sĩ tên tuổi như Lam Phương, Trúc Phương, Minh Kỳ, Anh Bằng… thì nhạc “sang” với những đặc điểm như giàu hình ảnh, ngôn ngữ mượt mà, trau chuốt, có tính triết lý, thường được nhớ đến với các nhạc sĩ tiêu biểu như Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương… Nhạc “sang” với những cách tân mạnh mẽ sau này cũng đã điểm danh nhiều giọng ca, trong đó có Tùng Dương. Cả 2 dòng nhạc đều có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ. Song, nếu ta bình tĩnh hơn, chỉ dừng lại ở chuyện tôn trọng thị hiếu âm nhạc của nhau, đừng suy luận và phân chia đẳng cấp về trình độ thưởng thức thì đã chẳng có chuyện để “ném đá”.

Không nhiều những phát ngôn chừng mực như nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: “Đừng để công chúng hiểu sai về các thể loại âm nhạc, vốn đều đáng được trân trọng và phát triển đúng mực, theo đúng nhu cầu của công chúng”. Cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng từng cho rằng: “Nhạc vàng, nhạc sến có giá trị của nó. Phải có những giá trị nhỏ thì người ta mới biết giá trị lớn chứ. Không nên đánh giá cái nào thấp quá hoặc cao quá”.

Có lẽ, nên hình dung thị trường âm nhạc hiện nay như một bữa tiệc buffet, ai ăn gì cứ chọn, không cần phải đánh giá khẩu vị của nhau làm gì, chỉ nên đánh giá thái độ thưởng thức có văn minh hay không? Anh cho rằng món này ngon nhưng với tôi thì chưa chắc. Khúc xương đối với người này có thể là miếng thịt của người kia. Dĩ nhiên, nghệ thuật-ngoài việc đáp ứng thị hiếu-cũng có vai trò định hướng và nâng cao gu thưởng thức của công chúng, bắt đầu từ động thái như nhạc sĩ Tô Thanh Tùng nói, đó là “đúng mực”; còn kiểu phát triển tràn lan, vô tội vạ thì cũng không phải lối, nếu không muốn nói là sẽ tạo ra một cuộc “khủng hoảng thừa”. Song cũng không cần quá lo lắng, bởi hiện tượng gì có cao trào thì sẽ có thoái trào, đó là quy luật. Biết đâu, ngày mai người nghe nhạc “sến” sẽ bất ngờ tìm thấy sức hấp dẫn, sự thăng hoa khi tình cờ nghe một bài nhạc “sang”. Hay ngược lại, tai nghe của người chuộng nhạc “sang” bỗng bị chinh phục bởi một câu hát nào đó thật đúng tâm trạng trong một bài nhạc “sến”?

Hãy chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng lẫn nhau, có vậy cuộc sống mới đa dạng, nhiều màu sắc. 

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm