Báo xuân 2025

Du xuân

Sang Washington State nghịch tuyết trên núi Rainier

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ trung tâm TP. Seattle (bang Washington, Hoa Kỳ), chúng tôi đi ô tô mất 2 giờ mới đến được chân núi thuộc Công viên Quốc gia Rainier, cao nhất trong dãy Cascade. Với độ cao hơn 4.300 m quanh năm tuyết phủ, Rainier là đỉnh núi băng giá nhất nước Mỹ.

Lại nhớ, có người từng nói rằng, những ai chưa lên đỉnh Rainier nghịch tuyết thì xem như chưa đến Washington.

Thành phố thủ phủ bang Washington

Đó là Seattle. Tôi từ TP. Las Vegas (bang Nevada) sang Seattle mất khoảng 3 giờ bay trên chiếc máy bay Boeing của Hãng Hàng không Delta Airline. Seattle nằm ở phía bờ Tây thuộc bang Washington và là trung tâm thương mại quốc tế, tài chính và dịch vụ của khu vực Tây Bắc nước Mỹ.

Đang giữa mùa hè lại là vùng sa mạc, thời tiết ở Las Vegas rất nóng, nhiệt độ lên đến trên 104 độ F (40 độ C). Vậy mà khi sang Seattle chỉ còn 53,6 độ F (12 độ C).

Bang Washington nằm ở cực Tây Bắc Hoa Kỳ, tiếp giáp với Canada thuộc vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, mùa đông nhiều nơi ngập đầy băng tuyết.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm trên núi Rainier. Ảnh: N.A

Seattle là thành phố lớn thứ nhất của khu vực này, sân bay quốc tế và cảng Seattle giúp nối liền với vùng Alaska cùng nhiều nơi khác trên thế giới. Từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố rất đẹp. Hai bên thành phố là 2 hồ nước lớn (hồ Washington và vịnh Puget Sound) cho ta cảm giác như đang giữa mênh mông biển cả. Xa xa là các dãy núi Cascade và Olympic.

Nhờ khí hậu thuận lợi, thời tiết mát mẻ nên hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên của thành phố xanh tốt quanh năm. Mùa xuân, hoa sakura nở rộ tạo nên khung cảnh nên thơ. Những vườn hoa tulip đủ sắc màu như cầu vồng. Mùa thu là một bức tranh cực kỳ lãng mạn: lá cây từ màu xanh chuyển dần sang màu đỏ và vàng.

Thành phố Seattle cũng là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa và có đông người Việt, đứng thứ 5 về số lượng người Việt sinh sống trên đất Mỹ với khoảng gần 30 ngàn người.

Khu Little Saigon được hình thành với sự tập trung của hầu hết cư dân gốc Việt. Nhiều nhà hàng, cửa hiệu và khu chợ nhỏ phục vụ đa số người Việt ở Seattle. Tại đây, bạn dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức những món ăn mang hương vị quê hương trong không gian bài trí và nền nhạc Việt.

Đã có không ít người Việt sang đây định cư nhiều năm theo diện con bảo lãnh nhưng không nói được tiếng Anh vì sống trong khu người Việt, thường xuyên giao tiếp với người Việt. Hôm tôi sang đúng dịp lễ Father’Day, gia đình cháu gái đưa tôi đến nhà hàng ăn buffet.

Không tưởng tượng đây là nhà hàng bên Mỹ vì xung quanh toàn người Việt và nghe trò chuyện bằng tiếng Việt. Thật xúc động, sang định cư xứ người đã nhiều năm nhưng kiều bào ta vẫn phát âm rõ tiếng mẹ đẻ và tất nhiên cái “chất cố hữu” khi gặp nhau ở chốn đông người là trò chuyện râm ran vẫn cứ như đang sống ở quê nhà.

Nghịch tuyết trên núi Rainier

Từ TP. Seattle nhìn về phía chân trời, chúng ta có thể thấy thấp thoáng ngọn núi lửa Rainier, biểu tượng của Washington State. Nói một cách khác, những ai chưa lên đỉnh Rainier thì xem như chưa đến bang Washington.

Theo thống kê của ngành du lịch địa phương, hàng năm có trên 1,5 triệu du khách từ mọi miền đến đây nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn.

Rainier cách Seattle gần 90 km về phía Đông Nam. Sáng sớm, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Cô cháu gái nhất quyết buộc tôi phải mặc thêm bên ngoài áo khoác một chiếc áo da: Lên đó lạnh khủng khiếp, chú không chịu được đâu!

Từ trung tâm TP. Seattle, chúng tôi đi ô tô mất 2 giờ mới đến được chân núi thuộc Công viên Quốc gia Rainier, cao nhất trong dãy Cascade. Với độ cao hơn 4.300 m quanh năm tuyết phủ, Rainier là đỉnh núi băng giá nhất Hoa Kỳ.

Đường lên núi chạy quanh co giữa rừng già, uốn lượn theo các sườn núi, hai bên là những loài cây lá kim thường xanh đặc hữu vùng ôn đới mọc thẳng tắp, thân xanh rêu.

Núi lửa Rainier được bao quanh bởi Công viên Quốc gia Rainier. Ảnh: SGGPO

Xe chạy chậm và càng lên cao càng cảm nhận được cái lạnh. Trên những tàng cây đã thấy màu trắng xốp của băng giá bám đầy. Khoảng không phía trước cũng nhuốm một màu bàng bạc. Cây cỏ hai bên đường nhìn xa như bị bọt xà phòng cô đặc.

Được biết, sau khi Công viên Quốc gia được thiết lập vào năm 1899, người ta đã thiết kế các con đường lên núi nhằm làm giảm đến mức tối thiểu sự ảnh hưởng đến cảnh quan nơi đây và phần lớn đều bị đóng cửa vào mùa đông.

Đoạn chúng tôi đi là đường “Paradise Drive” dẫn đến Paradise-Trạm Du lịch của Rainier. Từ bãi đậu xe ở Paradise, chúng ta có thể chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt đẹp của Paradise (thiên đàng): Giữa mùa hè nên có rất nhiều hoa dại đủ màu sắc, tranh nhau đua nở, trải dài đến tận chân núi tuyết.

Paradise có văn phòng hướng dẫn du khách và một khách sạn tên Historical Paradise Inn xây dựng từ năm 1917 có lối kiến trúc hơi nghiêng lạ mắt: vách ngoài và tấm lợp làm bằng gỗ Alaska Cedar và gỗ rừng cháy của địa phương nên qua thời gian bị phong hóa có màu xám như bạc.

Bước ra khỏi xe ô tô, cái lạnh ập đến khiến tôi rùng mình, nghiến chặt răng để khỏi run cầm cập.

Nhìn thời tiết trong điện thoại báo âm 6 độ C, may có chiếc áo da khoác thêm bên ngoài mới có thể chống chọi được cái giá buốt như dao cắt.

Sau khi vào sưởi ấm và ăn nhẹ trong nhà nghỉ của Trạm Du lịch Paradise, tôi và cháu gái cất bước vào xứ băng tuyết Rainier. Con đường phủ tuyết do người đi lại nhiều đã tạo thành một lớp băng cứng, rất dễ trượt. Người nào người nấy dày cộm quần áo ấm, mũ len trùm kín đầu chỉ chừa 2 mắt, khăn quàng, tất tay; áo đủ màu sắc vàng, đỏ, da cam…

Trên mặt đất trải dài một màu trắng xóa. Những cây tuyết tùng, vân sam, bách, thông… bám đầy băng tuyết, rũ cành đứng im lìm trong cái lạnh độ âm.

Một cảm giác phấn khích khó tả. Tôi bước hẳn vào trong tuyết, mặc cho giày ngập sâu vào thứ xôm xốp, đưa tay vốc vài nắm để cảm nhận cái lạnh sâu, tê cóng, đông cứng thấm vào da thịt tê buốt.

Những hạt tuyết mỏng manh, nhẹ rơi xuống bám trên mũ, áo quần và cả khoảng trống da mặt, da tay. Mùa hè nhưng trên núi không thấy ánh mặt trời, chỉ có băng tuyết trắng xóa tỏa ra thứ ánh sáng huyễn hoặc khói sương.

Tôi cứ chìm ngập trong không gian huyền ảo băng tuyết ấy. Mãi đến khi xuống núi trở về mà tưởng chừng như những hạt tuyết li ti vẫn rơi bám theo sau.

Có thể bạn quan tâm