Thời sự - Bình luận

Sao không bỏ "công chức suốt đời"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thông tin Quốc hội sửa đổi Luật Viên chức (VC) với quy định từ năm 2020 sẽ bỏ chế độ VC suốt đời là một trong những tâm điểm dư luận mấy ngày qua.

Khi thực hiện quy định này, trừ một số trường hợp đặc thù, còn lại VC đều ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn. Điều này phù hợp thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, được giao quyền tự chủ, nhất là việc trả lương.

Đây còn là hai mặt của vấn đề tuyển dụng và sử dụng, của tác động thị trường lao động lên đời sống, việc làm của VC. Nếu làm không đạt yêu cầu, cơ quan có thể chấm dứt HĐLĐ theo các quy định luật pháp. Ngược lại, VC có thể tìm đến chỗ làm thu nhập cao hơn, môi trường phù hợp hơn để phát huy năng lực.

Thực tế cũng cho thấy giả sử cứ duy trì chế độ biên chế suốt đời cho VC đi nữa, cơ quan nhà nước vẫn không thể giữ chân người đã quyết chí ra đi, nhất là giảng viên, bác sĩ ở các trường học, bệnh viện.


 

 




Ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC) làm việc trong cơ quan nhà nước tại nhiều tỉnh, thành cũng có tình trạng bỏ việc, tìm chỗ làm khác. Sau khi được đưa đi đào tạo với cam kết cụ thể, song về làm việc thấy không phù hợp và vì những lý do khác, họ đã chấp nhận đền bù để ra đi.

Tất nhiên, số này là rất ít và đại đa số CB-CC vẫn làm "suốt đời", trong khi đội ngũ này có nhiều người có chất lượng chuyên môn và đạo đức công vụ không cao, bị than phiền nhiều về thói nhũng nhiễu. Do đó, bên cạnh việc bỏ chế độ làm việc suốt đời với đội ngũ VC, câu hỏi được đặt ra là tại sao chưa bỏ chế độ làm việc suốt đời với CB-CC?

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khác bởi định nghĩa về CB-CC và các nội hàm liên quan đều được quy định rõ trong Luật CB-CC. Vấn đề quan trọng là khâu giám sát và đánh giá chất lượng CB-CC. Những mức độ sai phạm đều có hình thức xử lý tương ứng. Làm tốt các khâu này thì có thể chấm dứt tình trạng CB-CC "sáng cắp ô đi, tối vác ô về" và nạn "tham nhũng vặt".

Hiện cũng còn rất nhiều hệ lụy do lịch sử để lại, cần có lối ra, nhất là với những người đã dành cả tuổi thanh xuân cho công việc phù hợp sở trường, nguyện vọng, nay phải đành rời bỏ. Những ngày qua, nước mắt giáo viên ngoại thành thủ đô Hà Nội lại rơi khi họ không còn hy vọng trụ lại bục giảng sau kỳ thi tuyển để được làm VC ngành giáo dục sau bao năm gắn bó với bục giảng. Lỗi không phải do họ mà do cơ chế, do những người có trách nhiệm không đóng BHXH cho họ mà họ chỉ hưởng phụ cấp từ 1,0 đến 2,1 lương cơ bản và không hề được tăng lương dù nhiều người trong số họ có hàng chục năm giảng dạy các lớp chuyên, là giáo viên giỏi. Tuổi cao, hạn chế trình độ ngoại ngữ, họ không thể có kết quả thi tuyển VC đạt yêu cầu như những người trẻ, mà rời bục giảng thì họ chao đảo, không biết làm gì để sống.

Sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới là điều tất yếu. Trong quá trình đó, sẽ có những người phải rời khỏi nơi làm việc. Đó là thực tế phải chấp nhận để chủ trương lớn thành công. Tuy nhiên, cần giữ lại người giỏi chuyên môn, đạo đức tốt; dẹp hẳn lối nghĩ cứ vào được biên chế là ở lại suốt đời.

Theo TRỌNG HIỀN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm