Bạn đọc

Sao lại phân biệt lao động nữ khi tuyển dụng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một cơ quan vừa có thông báo tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học. Nhiều người lấy làm phấn khởi vì đơn vị này có chỉ tiêu tuyển dụng, vui hơn là những gia đình có con vừa tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm. Thế nhưng khi đọc đến phần tiêu chuẩn tuyển chọn, cơ quan này yêu cầu chỉ tuyển 4 sinh viên là nam, không tuyển nữ thì nhiều người mới ngạc nhiên, chưng hửng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao nữ lại bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động? Không riêng gì cơ quan này mà thi thoảng nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước khác khi có chỉ tiêu đều ghi thêm phần “ưu tiên tuyển nam”. Chúng ta đang ra sức kêu gọi bình đẳng giới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Con trai con gái đều được học hành, vui chơi, bình đẳng như nhau, tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Có phải chị em “chân yếu tay mềm”, chị em phải sinh con đẻ cái ảnh hưởng đến công việc nhưng vẫn phải trả lương, những chế độ cho phụ nữ phải thực hiện nhiều hơn…(!?).
Lao động nữ ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội (ảnh minh họa)
Những lý do nêu trên, thực ra là “lý chối”. Trước đây, phụ nữ không: Lái  máy bay, xe taxi, phụ hồ… thì bây giờ họ đã và đang làm, thậm chí là làm giỏi hơn cả nam giới. Đức tính phụ nữ Việt Nam là cần cù, chịu khó, cộng thêm sức chịu đựng, làm việc bền bỉ, dẻo dai. Còn về thiên chức phải sinh con, Nhà nước cũng đã có những chính sách ưu tiên. Không tuyển dụng lao động nữ, Nhà nước cũng đã quy định rõ các nhóm việc, gồm những công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại; làm việc trong điều kiện vật lý không bình thường, như: Trực tiếp với nguồn nhiệt có nhiệt độ không khí trong nhà xưởng từ 45oC trở lên về mùa hè, từ 40oC trở lên về mùa đông; chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt cao, công việc phải chịu áp suất cao hơn áp suất khí quyển, làm việc trong môi trường có độ rung ồn quá lớn; tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, làm việc trong tư thế gò bó, thiếu dưỡng khí, làm việc dưới lòng đất; làm các công việc cheo leo nguy hiểm hoặc những công việc không phù hợp với thần kinh, tâm sinh lý phụ nữ; thường xuyên làm công việc quá nặng nhọc mà mức tiêu hao năng lượng vượt quá 5 Kcal/phút, nhịp tim lớn hơn 120/phút; thường xuyên làm công việc ngâm mình dưới nước bẩn, dễ gây nhiễm trùng nguy hiểm đối với cơ thể phụ nữ.
Soi vào những quy định trên thì yêu cầu tuyển dụng của cơ quan nói trên phụ nữ đều có thể đảm đương tốt.
Khoản 1, Điều 111 của Bộ luật Lao động quy định, lao động nữ được bình đẳng với lao động nam trong việc tuyển chọn và sử dụng lao động: “… Người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động”. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng phân biệt đối xử khi tuyển dụng lao động vào làm việc, khoản 2, Điều 111 nhấn mạnh: “Người sử dụng lao động phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà đơn vị đang cần”.
Đó là những quy định được đánh giá là rất quan trọng nhằm tạo tiền đề pháp lý cho việc đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ trong lĩnh vực lao động việc làm. Rất tiếc là hiện nay, các quy định nêu trên đang bị vi phạm. Vấn đề này nếu không được chấn chỉnh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy từ ý thức của người dân trong việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời sẽ không tránh khỏi “hậu họa” sinh con một bề. Vì sinh con trai thì có người nối dõi, trưởng thành ra trường dễ tìm việc làm...
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm