Nghị định gồm bốn chương, 32 điều, quy định việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về điện lực mà không phải là tội phạm, gồm giấy phép hoạt động điện lực; xây dựng, lắp đặt công trình điện; các hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn, bán lẻ điện; các quy định về sử dụng điện, an toàn điện, điều động hệ thống điện và thị trường điện lực.
Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện; nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Nghị định. Đối với hành vi vi phạm liên tục, kéo dài, thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi.
Nghị định cũng chỉ rõ những hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử phạt liên quan tới các lĩnh vực nêu trên. Trong số đó có một số hành vi bị xử phạt nặng như phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với việc hoạt động điện lực không có giấy phép; cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy phép hoạt động điện lực; khởi công xây dựng công trình điện không có trong quy hoạch đã được duyệt, trừ trường hợp có lý do chính đáng; xuất, nhập khẩu điện không có giấy phép.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8 và thay thế cho Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26-6-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.
Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định cụ thể trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Theo TTXVN