Kinh tế

Tài chính

Sập bẫy 'tiền ảo': Không thể thả nổi để thị trường nhiễu loạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều ý kiến cho rằng “bùng nổ” hoạt động đầu tư giao dịch tiền ảo chính là một trong những nguyên nhân gia tăng phức tạp các loại tội phạm cũng như tình hình vi phạm pháp luật.
 
Nhà đầu tư sau khi tố cáo, phanh phui đường dây lừa đảo tiền ảo vẫn bị người cầm đầu N.D.L dụ dỗ đầu tư tiền ảo trên sàn khác. ẢNH: NHÀ ĐẦU TƯ CUNG CẤP
Do vậy, cần có quy định cụ thể để kiểm soát quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử như quản lý các hoạt động trao đổi, chuyển nhượng các loại tiền điện tử, huy động vốn đầu tư tiền điện tử, đồng thời quản lý chặt chẽ các sàn làm trung gian mua bán tiền ảo tại VN; đặc biệt không thể thả nổi để kẻ xấu lợi dụng trục lợi, dẫn đến thị trường nhiễu loạn, người dân lao đao vì sập bẫy lừa đảo.
“Tiền mất tật mang”
Ngày 24.6, theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), việc đường dây lôi kéo đầu tư tiền ảo rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Thanh Niên phản ánh từ số báo ra ngày 23.6, có thủ đoạn không mới. Thời gian qua, Công an TP.HCM và Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây với thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người sập bẫy, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, bởi những kẻ cầm đầu đường dây đã đánh vào lòng tham của người khác, đưa ra lãi suất rất cao để “dụ”.
“Với tình hình thực tế của nước ta thì cần có quy định cụ thể để kiểm soát quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Chỉ có quy định chặt chẽ về hoạt động tiền ảo mới có thể kiểm soát được loại hình này”, vị này nói.
Công an TP.HCM đang điều tra
Ngày 24.6, các nhà đầu tư tiếp tục kêu cứu đến Báo Thanh Niên vì sau khi tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của N.D.L (30 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) và N.Q.T (43 tuổi, ngụ TP.HCM) đến Thanh Niên và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), thì các nhà đầu tư vẫn bị người cầm đầu nhóm này như N.D.L dụ dỗ đầu tư tiền ảo với lãi suất cao.
Theo đó, nhóm của N.D.L vẫn tổ chức kêu gọi nhà đầu tư lên sàn giao dịch Master Trading Markets (mastertradingmarkets.com) mua “tiền ảo” Usdx (Usdx là đồng tiền ảo để giao dịch trên sàn này; 1 điểm Usdx có giá 25.000 đồng; để kiếm lời, lợi nhuận 90%/tháng) trên các group do nhóm N.D.L tạo ra.
Theo nguồn tin Thanh Niên, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) đang điều tra vụ lừa đảo tiền ảo trên.
Theo đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), mặc dù chưa được pháp luật thừa nhận nhưng tổng khối lượng giao dịch các loại tiền ảo như Bitcoin, Ethereum, Litecoin... trên các sàn tiền ảo tại VN hiện rất lớn. Đáng chú ý, hoạt động đầu tư giao dịch tiền ảo cũng chính là một trong những nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm cũng như tình hình vi phạm pháp luật.
Đại tá Kiên phân tích, về pháp luật thì chưa có gì rõ ràng về tiền điện tử, tiền ảo để làm căn cứ xử lý tại VN. Tiền điện tử, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật VN. Đó là khó khăn lớn trong việc xử lý tội phạm tiền ảo. Ngoài ra, đại tá Kiên cho rằng, Bitcoin và các loại tiền điện tử mang tính ẩn danh cao nên có thể bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền, mua bán hàng cấm, chuyển tiền trái phép qua biên giới... Vì vậy sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự các quốc gia, trong đó có VN.
Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm về công nghệ cao (Bộ Công an), nhấn mạnh: “Các đối tượng tập trung đánh vào lòng tham của người dân, bởi làm gì có một hình thức kinh doanh nào mà lợi nhuận cao như thế (90 - 120%). Thủ đoạn chính của các đối tượng là lợi dụng từ việc đầu tư tiền ảo Bitcoin lợi nhuận kinh khủng rồi tạo ra một loại đồng tiền mới, và nói rằng đồng tiền này cũng sẽ có lợi nhuận cao. Sau đó, các đối tượng kêu gọi hàng trăm, hàng ngàn người tham gia đầu tư vào loại hình được cho là “siêu lợi nhuận” này. Đây là hình thức lừa đảo đầu tư tài chính, huy động vốn dưới hình thức đa cấp”.
Giao dịch tiền ảo là hành vi bị cấm
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định các loại tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, việc đầu tư vào tiền ảo tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Trước đó, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu đang tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp, rủi ro, hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường VN, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Trong đó, NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý có hiệu quả các vấn đề về tiền ảo hiện nay.
Ngọc Lê-Anh Vũ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm