Chính trị

Tin tức

Sáp nhập thôn, làng: Cần sự đồng thuận của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ trương sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của chính quyền cấp xã theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để chủ trương này thực sự đi vào đời sống, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần chủ động và có giải pháp cụ thể nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân sau khi sáp nhập.
 

Giữa tháng 3-2019, UBND xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) chỉ đạo Trưởng thôn Sô Ma Biơng thông báo cho các hộ dân trong làng tham gia họp thôn để lấy ý kiến về chủ trương sáp nhập thôn, làng theo chỉ đạo của cấp trên. Theo đó, 2 thôn Sô Ma Biơng và Sô Ma Lơng A dự kiến sẽ sáp nhập thành 1 thôn với lý do chưa đủ số hộ theo tiêu chuẩn chung nêu tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29-12-2017 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn thành lập thôn. Cụ thể, thôn vùng đồng bằng phải có từ 400 hộ trở lên, miền núi có từ 200 hộ trở lên.
 

Nói là họp thôn lấy ý kiến về việc sáp nhập, tuy nhiên một số cán bộ thuộc UBND xã Chrôh Pơnan trước đó nhận định rằng: “Họp chỉ là hình thức chứ chủ trương của tỉnh, huyện đã ấn định rồi, dân không đồng tình thì cũng sáp nhập thôi”. Cá nhân tôi cũng là người dân đang cư trú tại thôn Sô Ma Biơng chưa quyết định rõ ràng về việc đồng tình hay không đối với việc sáp nhập 2 thôn trên. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của một số cán bộ xã như trên. Đối với cấp xã, người dân sinh sống tại các thôn, làng chính là những người trực tiếp thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dân vừa là cầu nối giữa cán bộ trong việc thực thi chính sách, quy định tại mỗi địa phương, vừa là gốc của mọi chủ trương, chính sách. Trong chuyện sáp nhập thôn, làng thì vai trò của những hộ dân lại càng quan trọng, nhất là khi việc sáp nhập các thôn, làng đồng bào Jrai có liên quan đến yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán.
 

Tại buổi họp thôn Sô Ma Biơng, một số người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên tại thôn cho rằng, chủ trương sáp nhập thôn là mục tiêu, nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị, đã được cân nhắc, bàn bạc, trao đổi, sau đó mới chỉ đạo triển khai thực hiện. Cái lợi trước nhất chính là giúp các cơ quan, chính quyền địa phương tinh gọn bộ máy, cán bộ, phát huy năng lực quản lý, hoạt động; kế đến là cải thiện khả năng huy động sức dân, kinh phí trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng cần có chủ động hơn khi triển khai họp lấy ý kiến của người dân; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, giúp dân hiểu những quyền lợi, trách nhiệm đi kèm.
 

Thiết nghĩ, để chủ trương sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố được thực thi hiệu quả, mỗi cán bộ ở cơ sở phải nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng, ý kiến từ mỗi người dân thông qua họp thôn, chủ động thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân, tránh tạo sự đột ngột trong tiếp nhận chủ trương, chính sách, gây thụ động trong việc thực hiện cũng như hiểu chưa đúng về mục tiêu chung. Cố gắng làm cho dân nghe, hiểu và đồng thuận, thực hiện-đó mới là tiêu chí, cơ sở quan trọng đánh giá chính sách Nhà nước có thực sự đi vào thực tiễn đời sống hay không.

 

Ksor H’Yuên




 

Có thể bạn quan tâm