Kinh tế

Sau ông Lê Hùng Dũng, bầu Thắng đang "ngậm đắng" với ngân hàng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bầu Đức từng thở phào vì không chạy theo “mốt” đầu tư vào ngân hàng cách đây nhiều năm. Nhưng nhiều đồng nghiệp của bầu Đức trong làng bóng đá như ông Lê Hùng Dũng hay ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) lại đang “ngậm đắng” với ngân hàng.

Năm 2013, bầu Thắng gây bất ngờ khi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlong Bank). Bầu Thắng gây bất ngờ vì tại thời điểm đó, ngân hàng vẫn được xem là “bom nổ chậm” bởi những khoản nợ xấu khủng.

 

Bầu Thắng đang
Bầu Thắng đang "ngậm trái đắng" với ngân hàng?

Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù nắm giữ tới 40,04% vốn và là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đồng Tâm, bầu Thắng lại không nắm giữ bất cứ cổ phiếu nào tại Kienlong Bank. Tuy nhiên, không vì thế mà quyền lực của ông bầu này giảm sút tại ngân hàng này.

Dù không nắm giữ bất cứ cổ phiếu Kienlong Bank nào nhưng bầu Thắng vẫn “gửi gắm” tài sản của mình qua tài khoản của con trai. Sau hơn 1 năm bầu Thắng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlong Bank, ông Võ Quốc Lợi, con trai bầu Thắng mua vào hơn 14 triệu cổ phiếu Kienlong Bank.  Theo mệnh giá, lượng cổ phiếu này trị giá hơn 140 tỷ đồng.

Trong suốt thời gian bầu Thắng nắm giữ vị trí cao nhất tại ngân hàng này, Kienlong BanK không có tên trong danh sách các ngân hàng yếu kém nhất. Tuy nhiên, tới quý III-2016, tình hình đang khác đi khi ngân hàng báo lỗ.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm 2016, trong quý III-2016, Kienlong Bank bất ngờ báo lỗ 8,9 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 15,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 145 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Kienlong Bank thua lỗ do mạnh tay gia tăng chi phí. Đa số các chi phí quan trọng đều tăng mạnh hơn thu nhập.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chỉ tăng 42 tỷ đồng, tương ứng 7,3% lên 585 tỷ đồng; trong khi chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng 65 tỷ đồng, tương đương 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 413 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động dịch vụ tăng từ 995 triệu đồng quý III-2015 lên 2,1 tỷ đồng trong quý III-2016. Chi phí hoạt động tăng từ 127 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng.

Các chi phí đồng loạt tăng cùng nhau khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ 75 tỷ đồng trong quý III-2015 xuống chỉ còn 41 tỷ đồng trong quý III-2016.

Trong kỳ, ngân hàng dành gần 50 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng nên khiến lợi nhuận sau thuế của Kienlong Bank là con số âm 8,9 tỷ đồng.

Không chỉ là ngân hàng đầu tiên “mở màn” cho danh sách các ngân hàng thua lỗ trong quý III-2016, Kienlong Bank còn chịu áp lực nợ xấu. Trong 9 tháng đầu năm, Kienlong Bank duy trì được tăng trưởng tín dụng dương. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 17.254 tỷ đồng, tăng 1.036 tỷ đồng, tương ứng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cùng với cho vay khách hàng là nợ xấu. Tại thời điểm cuối quý III, nợ xấu tại Kienlong Bank là 254 tỷ đồng, chiếm 1,47% tổng dư nợ. Nợ xấu 1,47% là mức thấp hơn rất nhiều so với “trần” 3% do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng chưa hẳn là “thành tích” của Kienlong Bank vì nợ xấu trong kỳ này đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, nợ xấu tại Kienlong Bank là 183 tỷ đồng, chiếm 1,13% tổng dư nợ. Có thể thấy, nợ xấu của Kienlong Bank đang tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ.

Không chỉ nợ xấu tại Kienlong Bank tăng mạnh, nợ có nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng từ 121 tỷ đồng lên 187 tỷ đồng.

Vì kết quả kinh doanh không được tốt, trong suốt thời gian dài qua, trên thị trường OTC, cổ phiếu Kienlong Bank thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Nếu đầu năm 2015, vẫn có giao dịch thành công ở mức giá 11.000 đồng thì năm nay, có người thậm chí còn chào mua cổ phiếu Kienlong Bank với giá chỉ 3.000 đồng/CP.

Trước đó, ông Lê Hùng Dũng, một ông lớn trong làng bóng đá như bầu Thắng cũng lao đao với Eximbank.

Theo VTC

Có thể bạn quan tâm