Người đại diện theo pháp luật tại BIDV trong thời gian tới có thể là Chủ tịch HĐQT thay vì Tổng giám đốc như hiện nay. Điều này được cho là phát tín hiệu về việc BIDV sắp có tân Chủ tịch HĐQT sau 2 năm chiếc ghế này bị bỏ trống kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9.2016.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sửa đổi điều lệ. Theo đó, từ quy định Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật sẽ được sửa thành Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) là người đại diện theo pháp luật.
Tín hiệu sắp có tân Chủ tịch
Theo đó, hiện hành của ngân hàng quy định Tổng Giám đốc là Người đại diện theo pháp luật của BIDV, tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn, đảm bảo hoạt động thông suốt, BIDV dự kiến sửa đổi Người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT.
Trên thực tế, cách đây 2 năm, BIDV từng quyết định thay đổi người đại diện pháp luật từ vị trí Chủ tịch HĐQT sang Tổng Giám đốc sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu.
Khi ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT, ông Trần Anh Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của BIDV. Đến ngày 1.5.2018, khi ông Trần Anh Tuấn thôi nhiệm, ông Bùi Quang Tiên được bầu làm ủy viên HĐQT, phụ trách điều hành hoạt động của BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ông Tiên là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này.
Sau ông Trần Bắc Hà, BIDV khuyết ghế Chủ tịch HĐQT |
Như vậy, tới thời điểm hiện tại BIDV vẫn khuyết ghế Chủ tịch HĐQT. Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái xin thay đổi người đại diện pháp luật của nhà băng này là một tín hiệu cho thấy, rất có thể BIDV sẽ sớm có chủ tịch sau một thời gian kéo dài 2 năm mà vị trí quyền lực số một của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam bị bỏ trống.
Hiện, Tổng giám đốc BIDV là ông Phan Đức Tú, sinh năm 1964, được giao là người đại diện pháp luật cho BIDV. Nếu cổ đông chấp thuận thông qua sự thay đổi người đại diện vốn Nhà nước từ Tổng giám đốc sang Chủ tịch HĐQT, rất có thể người ngồi vào chiếc ghế trống 2 năm qua sẽ là ông Phan Đức Tú.
Cũng không thể loại trừ khả năng, ông Bùi Quang Tiên hiện đang là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này sẽ được cân nhắc từ ủy viên HĐQT trở thành Chủ tịch HĐQT?
Ông Tiên sinh năm 1959 và bắt đầu công tác tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam Ninh từ năm 1982. Sau đó, năm 2008, ông được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ thanh toán - Ngân hàng Nhà nước. Tháng 4.2017, ông Tiên đảm nhận vị trí Ủy viên HĐQT BIDV, sau đó phụ trách HĐQT BIDV.
Bên cạnh nội dung xin chuyển đổi người đại diện pháp luật, BIDV cũng có trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc) dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là hơn 6.000 tỷ đồng.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên trên 40.000 tỷ đồng. Sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống 80,99%. Thời điểm phát hành dự kiến là trong năm 2018 – 2019.
9 tháng, BIDV hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận năm
BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống, đến cuối tháng 9.2018 đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2018 của ngân hàng này đạt 32.865 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực.
Kết quả kinh doanh BIDV trong 9 tháng đầu năm |
Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 25.616 tỷ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; Thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 2.541 tỷ đồng, tăng trưởng 18,74 %; Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 797 tỷ đồng, tăng 55%; Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 682 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 221 tỷ đồng; Thu từ hoạt động khác đạt 2.866 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Song song với dự phòng rủi ro tăng cao thì nợ xấu của BIDV tăng 21% so với thời điểm đầu năm (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu tính về con số tương đối, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chỉ chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính tới hết quý III.2018.
Lê Thúy (Dân Việt)