Sau phá rừng ở Lâm Đồng là nạn san ủi đồi thông trái phép tràn lan ở huyện Lâm Hà. Điều này cho thấy việc bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp còn bất cập.
Không chỉ nóng chuyện phá rừng, hạ độc cây rừng để chiếm đất, tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) còn ngang nhiên xảy ra việc san ủi đồi thông, cải tạo mặt bằng trái phép trước sự lơ là, xử lý qua loa của đơn vị chức năng.
Tại tiểu khu 292, thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), nơi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo điều tra, xử lý vụ hơn 10ha rừng thông bị hạ độc chết đứng, trong ngày 3/4 vừa qua, một đối tượng thuê máy múc vào san gạt trái phép hơn 13.000 m2 đất lâm nghiệp. Tuy việc này được xã Tân Thanh lập biên bản xử phạt hành chính cả chủ phương tiện lẫn người đứng ra thuê, song chỉ 2 ngày sau đó việc này lại tái diễn mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Đồi thông tại tiểu khu 263B bị Công ty TNHH vật liệu xây dựng Nghiêm Hà mổ xẻ, mang đất đi bán.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại xã Gia Lâm của huyện Lâm Hà. Ngày 1/5, xã có bắt quả tang một đối tượng thuê máy múc san gạt đất rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 274 và lập biên bản đình chỉ, tạm giữ phương tiện. Nhưng lấy lý do không có phương tiện đưa máy múc về trụ sở nên xã đã giao cho chính người vi phạm quản lý, để rồi sau đó người này tiếp tục việc múc đất, công khai lấn chiếm đất rừng.
Ở huyện Lâm Hà, việc san ủi đồi thông trái phép còn diễn ra công khai vì được UBND xã ký giấy cho phép. Khu đồi thông rộng lớn thuộc tiểu khu 263B sau trụ sở của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Nghiêm Hà, ở thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã bị xẻ nửa và múc rỗng, lấy đất chở đi bán. Hậu quả nơi đây đã bị tạo thành vực taluy đất cao hơn 10m, đồi thông có thể sạt lở bất kể lúc nào. Những trụ điện cao thế gần đó bị trơ phần móng bởi đất xung quanh đã bị “gặm” sạch.
Để chứng minh việc san ủi là hợp pháp, bà Lê Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty Nghiêm Hà, đưa ra một “đơn xin dọn dẹp khuôn viên công ty” có chữ ký và xác nhận của ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh nhưng chưa đóng dấu đỏ.
“Trước khi làm thì chị cũng có xin là chỉ dọn dẹp thôi và trên xã thì người ta cũng đã chấp nhận. Hôm chị đi xin thì anh Dũng ảnh ký rồi, nhưng người giữ con dấu hôm ấy đi ra huyện nên chưa đóng được con dấu”, bà Thu Hà nói.
Việc san ủi đồi thông, kể cả san gạt mặt bằng trên đất nông nghiệp đang được tỉnh Lâm Đồng nghiêm cấm.
Điều đáng nói, chỉ 10 phút sau đó con dấu đỏ của UBND xã Mê Linh đã được đóng bổ sung ngay trong tờ đơn, khi nhân viên bà Hà đã chạy lên xã. Nói về thẩm quyền của mình trong việc ký giấy cho phép công ty này san ủi đồi thông, múc đất đi bán, ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh lý giải rằng, mình chỉ đồng ý “cho phép múc đất dọn dẹp taluy nhưng phải đảm bảo hành lang bảo vệ rừng theo quy định cách hành lang từ 8-10m”.
“Tôi ghi là cho don vệ sinh mà không được chuyển đất đi, chỉ được nạo vét cách bìa rừng từ 8 đến 10m. Mình có giám sát, kiểm tra và vừa rồi có lập biên bản xử phạt 3 triệu rồi đó. Cấm tuyệt đối không được múc sát vào trong mà chỉ được dọn vệ sinh thôi”
Từ những vụ việc này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng còn tồn tại nhiều bất cập. Việc xử lý thiếu kiên quyết là một trong những nguyên nhân khiến nạn phá rừng chiếm đất, san ủi đất rừng trái phép càng trở nên nóng bỏng và khó kiểm soát.
Quang Sáng (VOV.VN)