Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Sau Tổng thống Putin và bà Belova, Tòa án Hình sự Quốc tế lệnh bắt thêm 2 quan chức hàng đầu của Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo CNN, Tòa án Hình sự Quốc tế ngày 25/6 thông báo: "Phòng tiền xét xử II của tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ hai cá nhân, ông Sergey Shoigu và Valery Gerasimov với các cáo buộc phạm tội quốc tế tại Ukraine trong thời gian ít nhất từ 10/10/2022 tới 9/3/2023".
Ông Sergei Shoigu ( phải) và ông Valery Gerasimov hồi tháng 2/2022 ở Nga. Ảnh: AP

Ông Sergei Shoigu ( phải) và ông Valery Gerasimov hồi tháng 2/2022 ở Nga. Ảnh: AP

Tòa Hình sự Quốc tế ( ICC) cáo buộc ông Sergei Shoigu và Valery Gerasimov phải chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo tấn công vào các đối tượng dân sự và gây tổn hại ngẫu nhiên quá mức cho các đối tượng dân sự.

Hội đồng An ninh Nga tuyên bố việc ICC phát lệnh bắt là "vô nghĩa".

Theo TASS, năm ngoái, ICC cũng ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Putin tuyên bố, các quan chức Nga đã hành động đúng luật khi đưa trẻ em khỏi khu vực xung đột để bảo toàn tính mạng và sức khỏe của các em. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định ông không bao giờ phản đối việc các em nhỏ đoàn tụ với gia đình.

Các quan chức Ukraine hoan nghênh thông báo của ICC. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết, ông Shoigu và Gerasimov phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm.

Lệnh bắt giữ ông Shoigu và Gerasimov đã nâng tổng số quan chức hàng đầu của Nga mà ICC muốn bắt giữ lên 4, gồm cả Tổng thống Putin và bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em. Ông Shoigu hiện làm thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga sau khi rời chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Gerasimov, tháng một năm ngoái được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy của chiến dịch tại Ukraine, thay thế người tiền nhiệm Sergei Suroviki.

ICC có trụ sở tại The Hague, Hà Lan và được thành lập bởi một hiệp ước gọi là Quy chế Rome, ICC hoạt động độc lập. Hầu hết các quốc gia đều là thành viên của hiệp ước, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, bao gồm Mỹ, Nga và Ukraine.

124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt nếu người bị truy nã đặt chân đến nước họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC không thể tiến hành xét xử vắng mặt.

Có thể bạn quan tâm