Kinh tế

Giá cả thị trường

Sẽ có khu công nghiệp sản xuất linh kiện ôtô lớn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Khu công nghiệp này sẽ được xây dựng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Khu công nghiệp được THACO đã đầu tư xây dựng với 12 nhà máy sản xuất linh kiện - phụ tùng bao gồm: linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; nhíp; kính; máy lạnh; la phông trần; tap-pi sàn; cản xe du lịch; thân vỏ ô tô; ghế và áo ghế; bộ dây điện; chassis và nhiều linh kiện phụ tùng khác. Các sản phẩm này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu sang thị trường ASEAN và các nước trên thế giới.
Các nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc với máy móc thiết bị hiện đại và thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối. Có thể lấy ví dụ như nhà máy Linh kiện nhựa trang bị hệ thống máy ép phun 3.200 tấn, công nghệ sơn nhựa tiên tiến nhất Việt Nam với robot sơn và hệ thống cấp sơn tự động. Nhà máy Ghế ô tô đầu tư máy móc hiện đại, tự động nhập khẩu từ Châu Âu, Hàn Quốc, sản xuất ghế cho nhiều chủng loại và thương hiệu ô tô.
Để làm chủ công nghệ và thiết kế, khu công nghiệp còn có Trung tâm R&D giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm linh kiện phụ tùng; đồng thời liên doanh, liên kết với các đối tác để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nhận hỗ trợ kỹ thuật sản xuất linh kiện phụ tùng của các loại xe tải, bus và xe du lịch dựa trên công nghệ chuyển giao từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hay nhà máy Nhíp được chuyển giao công nghệ sản xuất từ tập đoàn Daewon - Hàn Quốc với hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại như dây chuyền nhiệt luyện, dây chuyền ram, dây chuyền phun bi, dây chuyền sơn nhúng kẽm và các thiết bị kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn.
 
Thaco sẽ đầu tư khu công nghiệp sản xuất linh kiện ôtô lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, nhờ đầu tư phát triển các nhà máy linh kiện phụ tùng, THACO đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN; đồng thời xuất khẩu linh kiện ô tô, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất là cản xe, bộ dây diện xe du lịch, nhíp ô tô, áo ghế xe du lịch... 
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN và nhiều nước trên thế giới, việc đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hiện đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. 
H.A (LĐO)

Có thể bạn quan tâm