Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030 ở khu vực phía Nam, bao gồm ĐBSCL, sẽ có thêm gần 1.000km đường cao tốc; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 670km và thêm 300km trong giai đoạn 2026-2030.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Mặc dù nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, nhưng mạng lưới giao thông đường bộ của Việt Nam so với các nước trên thế giới và trong khu vực còn khá lạc hậu, tỷ lệ đường quốc gia (đường cao tốc, quốc lộ), đường cấp cao còn chiếm tỷ lệ thấp.
Đây là thông tin tại Hội thảo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực phía Nam do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 16/12 tại thành phố Cần Thơ.
Báo cáo của đơn vị tư vấn trình bày tại Hội thảo cho biết, đến nay mạng lưới đường bộ đã bao phủ rộng khắp và đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng của đất nước.
Về đường bộ, trong giai đoạn 2010-2020, trong cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.757km đường cao tốc và có 6.000km đường quốc lộ; hoàn thành dự án mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
Các tuyến cao tốc gồm có tuyến Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Bắc Giang, Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Đà Nẵng-Quảng Ngãi...
Đáng chú ý, trong số 1.757km đường cao tốc của cả nước (chiếm 0,3% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ) thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới có 117km.
Trên thực tế, đến nay mới chỉ có tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương dài khoảng 60km được đưa vào khai thác từ năm 2010, còn tuyến cao tốc thứ hai là Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn đang trong giai đoạn thi công.
Nếu so sánh giữa các vùng, miền trong cả nước thì chiều dài đường cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hơn khu vực Tây Nguyên và thấp hơn tất cả những khu vực khác.
Theo ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, giai đoạn 2 của cao tốc về miền Tây lẽ ra đã về đến Cần Thơ, nhưng đến nay chưa có. Điều này cũng tương tự như cao tốc giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh đoạn từ Củ Chi-Đức Hòa, Đức Huệ về đến Cao Lãnh. Trong khi đó, ở khu vực miền Đông, toàn bộ tuyến Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn chưa "nhúc nhích.”
Nhìn nhận về Chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới là sử dụng hệ thống cao tốc, ông Ngô Thịnh Đức cho rằng, cần làm chặt chẽ, quyết tâm để đến năm 2025 xử lý xong tuyến trục dọc và đến năm 2030, cao tốc phải về đến Cà Mau.
Đối với các tuyến trục ngang thì lập quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư. Còn hành lang phía Đông đến năm 2025 phải xong cầu Đại Ngãi mới giúp kết nối Trà Vinh-Sóc Trăng về Bạc Liêu.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, một nhiệm kỳ 5 năm, nhưng quy định về thủ tục đầu tư đã mất 2 năm, nếu không cẩn thận, tính toán và có một kế hoạch chi tiết thì hết nhiệm kỳ không biết đã làm được gì và báo cáo với người dân như thế nào.
Trong khi đó, nghị quyết Đại hội của các tỉnh, thành phố đưa ra mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó hạ tầng giao thông rất lớn, đặc biệt là đường bộ.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý việc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào cho hiệu quả. Nếu không cẩn thận, một nhiệm kỳ mà địa phương nào cũng muốn làm, dàn trải nguồn lực mà chẳng làm được cái gì, chỉ được mạng lưới nói chung, còn đường thì tạm, kinh tế thì chưa có.
Tuyến hướng tâm kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh là bắt buộc phải có và đi trước một bước.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cần có giải pháp cho vấn đề kết cấu mặt đường vì một con đường khi làm ở miền Bắc, miền Trung thì giá rẻ hơn rất nhiều so với làm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thi công nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN) |
Mạng lưới đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay tương đối đồng bộ, nhưng chất lượng và quy mô các tuyến đường lại thấp.
“Quan điểm của Bộ là tất cả các tuyến quốc lộ hiện tại (trừ những điểm vượt sông, tuyến tránh) cố gắng giữ nguyên và nâng cấp mặt đường, hạn chế đến mức tối đa vấn đề giải phóng mặt bằng, tăng cường mặt đường, nhựa hóa…, nếu cứ dàn trải mỗi địa phương làm một ít thì rất khó,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ của Quy hoạch mạng lưới đường bộ cả nước mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối và xây dựng hoàn thành trên 5.000km (bao gồm cả cao tốc phân kỳ quy mô đầu tư); trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc-Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam.
Cụ thể, quy hoạch hệ thống cao tốc dự kiến phân kỳ đầu tư ở giai đoạn 2021-2030 thì khu vực phía Nam, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm gần 1.000km đường cao tốc; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 670km và thêm 300km trong giai đoạn 2026-2030.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có các tuyến cao tốc như tuyến Cần Thơ-Cà Mau dài 150 km, Hà Tiên (Kiên Giang)-Rạch Giá (Kiên Giang)-Bạc Liêu dài 100km, Châu Đốc (An Giang)-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 64km…
Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các địa phương chưa có đường cao tốc; tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý điểm đen trên các tuyến quốc lộ…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nguồn lực đầu tư công trong các thời kỳ trung hạn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đầu tư, trong khi khả năng huy động vốn đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc khó khăn, thể chế chưa có nhiều thay đổi, trừ các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư được thu phí, nhưng nguồn thu này được hòa chung vào ngân sách nhà nước…
Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)